Việt Nam đã kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và trao đổi chứng từ xuất xứ hàng hóa điện tử e-C/O mẫu D từ 1/1/2018. Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, Việt Nam đã gửi đi các nước ASEAN 15.536 e-C/O mẫu D, đồng thời cũng đã tiếp nhận 30.670 e-C/O mẫu D từ các nước ASEAN.
Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian tới sẽ có khoảng hơn 100.000 e-C/O mẫu D mỗi năm của Việt Nam do Bộ Công Thương cấp sẽ được chuyển tới các thị trường ASEAN để công nhận thông quan hàng hóa. Việc trao đổi e-C/O mẫu D bước đầu cho thấy, thuận lợi hóa thương mại gia tăng, doanh nghiệp không còn phải nộp C/O bản giấy khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục để hưởng ưu đãi về thuế cũng rút ngắn, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. Cụ thể, khi chuẩn bị e-C/O, các doanh nghiệp sẽ rút ngắn được ít nhất 7 giờ so với sử dụng bản giấy. Với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được khoảng 3,7 triệu USD/năm do không phải chuẩn bị và chuyển phát nhanh hồ sơ giấy. Trao đổi chứng từ xuất xứ hàng hóa điện tử cũng đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí lưu kho của hàng hóa Việt Nam tại nước nhập khẩu, tạo cơ hội cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Việt Nam đã trao đổi chứng từ xuất xứ hàng hóa điện tử (e-C/O mẫu D) với Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines để kết nối trao đổi; phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN; đang đàm phán với các đối tác ngoài ASEAN như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu… tiến tới trao đổi các mẫu e-C/O. |
Thực hiện trao đổi e-C/O mẫu D cũng đã góp phần giúp các cơ quan nhà nước liên quan nâng cao được hiệu quả quản lý, do dữ liệu e-C/O mẫu D thông tin có tính xác thực cao, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia, thuận lợi hóa thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), quá trình kiểm tra, giám sát (kể từ khi chưa trao đổi chứng từ xuất xứ hàng hóa điện tử), cơ quan hải quan các địa phương đã phát hiện có tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu khá đa dạng, trong đó có những trường hợp khai gian về tiêu chí, một số trường hợp thì sử dụng C/O giả chữ ký...
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định rất rõ công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm hạn chế việc lợi dụng, gian lận C/O để hưởng lợi ưu đãi thuế. Theo đó, khi xuất khẩu, doanh nghiệp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhưng phải khai báo rõ thông tin xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan điện tử. Trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ có gian lận sẽ kiểm tra, xác minh ngay trong quá trình thông quan, hoặc sau thông quan (tại cơ quan cấp C/O, hoặc tại trụ sở của doanh nghiệp nơi sản xuất) để xử lý.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi xuất xứ đặc biệt về thuế thì phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo mẫu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, phải thỏa mãn các thông tin, tiêu chí mà hai quốc gia đã thỏa thuận. Trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ có gian lận sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, phối hợp với cơ quan chức năng nước cấp C/O để tra cứu thông tin…, nếu thấy đủ yếu tố có gian lận thì C/O đó sẽ bị từ chối, doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo qui định./.