KTNN Việt Nam: Đóng góp tích cực, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm đối với các hoạt động của ASOSAI Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề |
Xuất phát từ vai trò ngày càng quan trọng của loại hình kiểm toán này, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán tiếp tục tăng cường số cuộc KTHĐ, đi đôi với việc nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đoàn kiểm toán "Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La" làm việc tại hiện trường. Ảnh: N.Lộc |
Còn nhiều thách thức khi tiến hành KTHĐ
Theo chân đoàn kiểm toán của KTNN khu vực VII khi thực hiện cuộc KTHĐ “Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” tại tỉnh Sơn La dịp tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã ghi nhận những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán, cũng như những nỗ lực của đoàn kiểm toán.
Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Nguyễn Huy Sáng - Trưởng đoàn kiểm toán, khác với các cuộc kiểm toán tập trung xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành…, cuộc KTHĐ lần này tập trung đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong việc thực hiện Đề án.
Nêu cụ thể, Phó Trưởng Đoàn Kiểm toán Nguyễn Quang Hợp cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc xem xét hồ sơ, báo cáo liên quan đến Đề án từ nhiều thời kỳ trước, đoàn kiểm toán còn phải trực tiếp đến địa bàn, làm việc với cơ quan chức năng và trao đổi với người dân để có thêm thông tin, từ đó đưa ra đánh giá xác đáng, trung thực.
KTHĐ là loại hình kiểm toán còn mới và khó. Khi áp dụng loại hình này với cuộc kiểm toán vừa qua, đoàn kiểm toán đã vận dụng tối đa hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời thực hiện theo đúng kế hoạch, hướng dẫn để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán với những kết luận, kiến nghị đưa ra xác đáng, được đơn vị đồng thuận, đánh giá cao. Ông Nguyễn Quang Hợp (KTNN khu vực VII) |
Đây chỉ là một trong nhiều cuộc KTHĐ mà các đơn vị kiểm toán thuộc KTNN đã thực hiện thời gian qua. Thực hiện chiến lược phát triển KTNN qua từng thời kỳ, KTNN ngày càng chú trọng đến các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, trong đó có KTHĐ với số lượng cuộc kiểm toán tăng dần qua các năm. Các cuộc KTHĐ cơ bản đã được tổ chức, thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Kết quả kiểm toán góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan nhà nước, gia tăng lợi ích xã hội.
Theo Vụ Tổng hợp, kết quả của một số cuộc KTHĐ đã chỉ ra được những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu; đưa ra các đánh giá tương đối toàn diện; phân tích được nguyên nhân cụ thể và đánh giá được tác động của những hạn chế, làm căn cứ để đưa ra được các kết luận rõ ràng và các kiến nghị khả thi.
Các ý kiến cũng cho rằng, năng lực KTHĐ trong những năm qua dù đã từng bước được nâng cao, song trước những yêu cầu mới đặt ra cho KTHĐ, đòi hỏi loại hình kiểm toán này cần tiếp tục được đổi mới hơn nữa.
Từng tổ chức thành công nhiều cuộc KTHĐ, KTNN khu vực V cho biết, đến nay, đây vẫn là loại hình kiểm toán chưa thực sự phổ biến. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực và khó khăn trong xây dựng tiêu chí kiểm toán vẫn là thách thức lớn khi tiến hành KTHĐ.
Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị, trong bối cảnh KTNN ngày càng chú trọng đến KTHĐ các lĩnh vực mới, phức tạp, việc xác định tiêu chí cho KTHĐ trở nên khó khăn hơn. “Điển hình như đối với kiểm toán môi trường - một lĩnh vực kiểm toán khó, nên khi áp dụng KTHĐ để đánh giá tính hiệu quả, thì việc xác định tiêu chí kiểm toán càng khó khăn hơn, do việc xác định các dấu hiệu, bằng chứng chứng minh vi phạm môi trường rất khó khăn” - ông Nghị nêu.
Đánh giá về vấn đề này, PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, tiêu chí kiểm toán quyết định đến việc có thực hiện và thực hiện thành công được cuộc KTHĐ hay không. Bởi, nếu thiếu hoặc tiêu chí kiểm toán không đảm bảo, kiểm toán viên sẽ không có cơ sở để so sánh với thực tế của hoạt động được kiểm toán để đưa ra các phát hiện, đánh giá và kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, theo ông Ánh, “khó khăn trong việc thiết lập hệ thống tiêu chí kiểm toán không chỉ đối với Việt Nam, mà là thực trạng chung tại nhiều cơ quan kiểm toán trên thế giới”.
Nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động
Để nâng cao chất lượng kiểm toán, các ý kiến cho rằng, KTNN cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc hoàn thiện quy định, hướng dẫn về KTHĐ, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về đối tượng kiểm toán...
Đặc biệt, KTNN cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên. Điều này xuất phát từ đặc thù KTHĐ gắn với nhiều lĩnh vực, cũng như tiêu chí kiểm toán tương đối phức tạp, không có quy chuẩn nên có nhiều trường hợp, kiểm toán viên phải vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để đưa ra đánh giá phù hợp.
Theo đó, các ý kiến cho rằng, KTNN cần tiếp tục chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTHĐ. Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Bùi Anh Tuấn cho rằng, KTNN cần tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán quốc tế, cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm KTHĐ để nghiên cứu áp dụng vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tăng cường đội ngũ kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm, KTNN cần tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau; đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng về KTHĐ. Trong tổ chức kiểm toán, các đơn vị chủ trì thực hiện cuộc KTHĐ cần bố trí các kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm để tham gia kiểm toán...
KTNN cần tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực KTHĐ cho kiểm toán viên. Ảnh: N.Lộc |
Phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc KTHĐ và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% trở lên số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030)