Tập trung vào các phân ngành năng lượng để đảm bảo tính toàn diện
Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo. Mỗi nội dung sẽ có các yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với từng đối tượng giám sát, theo tất cả các phân ngành năng lượng.
Cụ thể: Thứ nhất, về cung cầu và an ninh năng lượng: Khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ hai, về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: Tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện, Quy hoạch than, Quy hoạch dầu khí.
Thứ ba, về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính: Tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Thứ tư, về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: Tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng: Mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Thứ sáu, về một số nội dung khác: Hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.
Góp ý vào kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế, bao gồm nhiều ngành kinh tế lớn như điện, than, dầu nên cần phát triển hài hoà chứ không nên tập trung vào một lĩnh vực.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, quá trình giám sát đã tập trung vào một số vấn đề đang được dư luận rất quan tâm như việc phát triển năng lượng tái tạo; chính sách đối với ngành than, cần có điều hành chính sách xuất nhập khẩu mặt hàng này như thế nào cho phù hợp để hoạt động đầu tư cho sản xuất, kinh doanh được thuận lợi.
Đánh giá việc ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, trong lĩnh vực năng lượng, điện là lĩnh vực quan trọng nhưng cũng cần tập trung vào các lĩnh vực phân ngành năng lượng khác để đảm bảo tính toàn diện hơn.
Về 6 nhóm vấn đề giám sát, ông Hiển cho rằng, có hai vấn đề rất trọng tâm trong giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về năng lượng. Theo đó, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đây là vấn đề trọng tâm nhất. Trong vấn đề này gồm cả xem xét những vấn đề về giá năng lượng - đây là vấn đề có tính nền tảng được nhân dân và xã hội rất quan tâm.
Bên cạnh đó, theo ông Hiển cần tập trung vào vấn đề trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu năng lượng, gắn với phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững và các cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030.
“Về an ninh năng lượng cũng nên xem xét mở rộng hơn nội hàm. Bởi một trong những nhóm nội dung cần quan tâm là việc liên quan đến tình hình đầu tư phát triển các dự án điện. Đây là vấn đề cần phải tập trung thêm” - ông Hiển kiến nghị.
Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay, về đề cương báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trong phần đánh giá, đề nghị bổ sung các văn bản, các vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện phát triển năng lượng.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung đánh giá việc điều chỉnh quy hoạch trong phân ngành năng lượng sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng như thế nào? Đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung về các giải pháp bảo vệ môi trường khi các nhà máy năng lượng dừng hoạt động.
Về đề cương báo cáo các đối tượng chịu giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển năng lượng, ông Đặng Thế Vinh đề nghị bổ sung đánh giá việc ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; bổ sung tồn tại, hạn chế đối với cơ chế khuyến khích năng lượng nhưng chưa phù hợp với luật, pháp lệnh hiện nay như Luật Điện lực, Luật Giá….
Ngoài ra, đề nghị bổ sung công tác chỉ đạo việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển đối với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời, đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý đối với phát triển năng lượng; đánh giá hiệu quả việc ban hành văn bản của các tập đoàn, tổng công ty đã tháo gỡ cho quá trình thực hiện chính sách phát triển năng lượng như thế nào trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng cao…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đánh giá cao công tác chuẩn bị của tổ giúp việc Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, nhưng lưu ý, Đoàn giám sát phải tập trung vào một số vấn như: Vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào?
"Có cần xem xét điều chỉnh chính sách hay không, vì mỗi thời kỳ đều có “sứ mệnh riêng”. Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng phải tập trung các vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng, mỗi thời kỳ có thay đổi riêng phải có điều chỉnh phù hợp" - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Vấn đề thứ hai là chuyển đổi năng lượng liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ mội trường. Về chuyển đổi năng lượng cơ hội nhiều nhưng thách thức rủi ro cũng lớn làm sao tận dụng được cơ hội, khắc phục được rủi ro.
Câu chuyện chuyển đổi năng lượng liên quan đến điện, liên quan đến năng lượng tái tạo và những vấn đề liên quan đến quy hoạch điện VII điều chỉnh và quy hoạch điện VIII.
Vấn đề thứ ba là chính sách năng lượng, ở nước ta phải tạo ra một thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể chính sách liên quan đến phát triển, khuyến khích thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng, bao gồm có cả vấn đề giá và phí.
Một lĩnh vực quan trọng nữa là chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng, xem vấn đề trọng tâm là tập trung xem xét và rà soát vào vấn đề gì? Ngoài ra, chính sách huy động, quản lý các nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong phát triển năng lượng được triển khai ra sao, các thành phần kinh tế tư nhân khuyến khích như thế nào?...
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý làm rõ thêm về chính sách tiết kiệm năng lượng, khắc phục nguồn cung năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; vấn đề thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách mua bán điện trực tiếp còn đang vướng mắc… “Quan trọng là vừa bảo đảm an ninh và tính bền vững trong phát triển năng lượng” - Chủ tịch Quốc hội nói.