Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 |
Diễn đàn được tổ chức với Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 2 Phiên chuyên đề, đã có 44 ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia trong và ngoài nước.
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương với hơn 450 đại biểu trung ương và địa phương và kết nối 6 học viện và trường đại học.
Đặc biệt, ghi nhận sau phiên làm việc buổi sáng, Diễn đàn lần này đã thu hút hơn 1 triệu lượt view và tương tác trên các nền tảng số.
Khẳng định chất lượng tại các phiên thảo luận chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến để phát hành kỷ yếu Diễn đàn để gửi đến các đại biểu, các cơ quan hữu quan làm thông tin tham khảo, căn cứ trong hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Điểm lại nội dung chính của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam và có sự thống nhất, đồng thuận cao. Các ý kiến đều chỉ rõ, thế giới và Việt Nam đều chịu nhiều hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Qua chung tay phòng chống và thực hiện nhiều giải pháp đến nay tình hình dịch cơ bản kiểm soát và các nền kinh tế dần mở cửa trở lại và trên đà phục hồi.
Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những tình huống mới. Trong đó, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp và nguy cơ về dịch chồng dịch. Từ đầu năm 2022, xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Các diễn giả nhận định, tăng trưởng 2022 giảm 1/2 so với 2021 còn lạm phát tăng gấp đôi. Điều này xảy ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong số đó có nhiều đối tác lớn của Việt Nam. Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng làm suy giảm đầu tư, thương mại toàn cầu, du lịch quốc tế. Cùng với đó là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan diễn biễn phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng trên thế giới diễn ra khẩn trương vừa tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không dễ.
Về tình hình của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho hay, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những đánh giá tương đối tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
"Dường như Việt Nam hơi ngược dòng thế giới" - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nêu, trong bối cảnh thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát thì Việt Nam lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 ở kịch bản thận trọng nhất được xác định có thể đạt trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ước đạt đạt 175 tỉ USD, gấp 2 lần GDP.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nguyên nhân để có được những kết quả trên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Theo nhiều chuyên gia, các chỉ số về khả năng chống chịu, tự cường chủ yếu nằm ở mức trung bình khá. Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, thiên tai đặt ra áp lực ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn, nhất là trong 6 tháng đầu năm.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Việt Nam đã có dự báo, phân tích, đánh giá tình hình và ứng xử một cách bình tĩnh và đi đúng đường ray. Các chính sách vĩ mô từ tài khóa đến tiền tệ, phối hợp với các chính sách thương mại và các chính sách khác đều đúng hướng. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2022 đã chỉ ra 9 điểm sáng như đã báo cáo tại Diễn đàn.
Lưu ý một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng lạm phát cao của thế giới là do đứt gãy nguồn cung mà không phải do chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội tùy từng giai đoạn nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố.
Do đó, để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vấn có sự linh động, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải đánh giá được nguyên nhân thực trạng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan lưu ý để nghiên cứu phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến cho Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.
Về gói tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên chất vấn của Quốc hội đã có giải pháp, song với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, thì bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Đồng thời, cần tăng cường doanh thu dịch vụ gia tăng phi tín; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng..
Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thị trường bất động sản… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyến và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những kết quả đạt được tại Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức nhưng các ý kiến đều đạt sự đồng thuận, thống nhất. Theo đó, về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại diễn đàn.