Quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập
Tại phiên họp, trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật có liên quan, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đưa vào chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
"Một số Ủy ban coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành theo kỳ giám sát hoặc định kỳ hằng năm. Ngoài ra, tỷ lệ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã tăng lên trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực pháp luật, thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc của Chính phủ trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản" - Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ ra, trong số các văn bản thuộc phạm vi giám sát, vẫn còn nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm có hiệu lực của luật, còn một số nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số luật còn nợ nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Ủy ban của Quốc hội đề cập trong báo cáo kết quả giám sát của các kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp. Ảnh VPQH |
Qua giám sát, các Ủy ban của Quốc hội cũng phát hiện nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống.
Qua giám sát, các Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trên; tăng cường công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra gắn với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan đầu mối trong việc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tự kiểm tra văn bản do mình ban hành để xử lý kịp thời những nội dung có sai sót, bất cập, không phù hợp, bảo đảm tính toàn diện, khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Đồng thời, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm, chậm trễ trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm
Cho ý kiến về các nội dung trong báo cáo giám sát, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác giám sát cần cụ thể, sâu sát, chỉ giám sát chung chung thì không có hiệu lực, hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát lại quy định cụ thể nhiệm vụ, phân công trách nhiệm trong công tác giám sát.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy trình giám sát và đề xuất với Chính phủ bổ sung nội dung căn cứ kết quả giám sát nêu trên; kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để chỉ đạo khắc phục, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai với công luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục tăng cường, thực hiện nghiêm việc giám sát theo đúng thẩm quyền trong kế hoạch công tác. Tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề, nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát, xây dựng Luật, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định. Định kỳ báo cáo kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung và nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục và có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ. Đặc biệt, đây là công việc theo quy trình thống nhất, trong quá trình thực hiện phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát, có xử lý hậu giám sát và giám sát lại. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn bản, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.