Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn không phải sát hạch mà là một hình thức giám sát Khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn |
Cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, sáng 18/3/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế 334 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội, định kỳ hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn tại các phiên họp tháng 3 và tháng 8.
Tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.
Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 điểm cầu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chương trình phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành về các vấn đề liên quan đến 21 lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề; theo đó, các nhóm vấn đề chất vấn bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Vì vậy, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi đã chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp, phiên họp từ đầu nhiệm kỳ, xuất phát từ tình hình thực tế, đồng thời để tạo điều kiện cho tất cả các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều được trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao tại phiên họp này.
Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các vị đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính;
Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Thời gian qua, Quốc hội đã quan tâm chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Hầu hết các vấn đề chất vấn lần này là những nội dung mới và được các Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đang rất quan tâm.
Là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực tài chính là rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá…
Trong phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ điều hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Ngoại giao, tập trung vào các nhóm vấn đề: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo;
Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua những biến động lớn, phức tạp, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường, mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại Nhân dân, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và đã đạt được kết quả toàn diện, rất quan trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại đã đạt được “nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng” trong thành tựu chung của đất nước.
Đề nghị các Bộ trưởng đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi
Các lĩnh vực công tác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chất vấn tại phiên họp này cũng đạt nhiều kết quả tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đối ngoại và ngoại giao trong những năm qua.
Khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
"Thông qua hoạt động chất vấn lần này, cũng sẽ góp phần làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như xác định rõ các phương hướng, giải pháp để làm tốt hơn các nội dung công tác này trong thời gian tới" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng; theo quy định, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn không quá 1 phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Đồng thời, đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Trong quá trình chất vấn, Chủ tọa sẽ mời thêm một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách tài chính hiệu quả, trong đó thu ngân sách mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức cao, nợ công giảm, chỉ số CPI đạt được mục tiêu đề ra, cân đối tài chính được giữ vững, kiểm soát hiệu quả xuất nhập khẩu để phát hiện kịp thời hàng cấm vào nội địa... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, luật pháp hoàn thiện, quy trình quản lý còn một số kẽ hở, Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để hoàn thiện quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính. |