Ảnh: Tường Vân |
Nhiều thành phần kinh tế được hưởng lợi
Sau 4 năm giữ ổn định giá trong khoảng 105USD/thùng, từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014, giá dầu thô thế giới chứng kiến sự suy giảm tới 43% (xuống 65,54USD/thùng ngày 2/12/2014). Đầu năm nay, giá dầu lại tiếp tục biến động mạnh. Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 2/2015, giá dầu thế giới bất ngờ tăng trở lại tới gần 20%, vuợt mốc 50USD/thùng và thậm chí tiến sát mốc 60USD/thùng.
Giá dầu thô biến động mạnh đã tác động lớn đến thị trường xăng dầu Việt Nam. Năm 2014, giá xăng dầu trong nước thay đổi 17 lần, đánh dấu mức thay đổi kỷ lục của mặt hàng này trong 1 năm. Xu hướng biến động của giá xăng trong nước phức tạp hơn vào những tháng đầu năm nay. Giá bán lẻ xăng dầu đã đổi chiều từ mức dương 1.900 đồng/lít đã chuyển sang âm gần 2.500 đồng/lít (đối với xăng-so với giá cơ sở) chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 1 đến tháng 2/2015).
Sự biến động của giá dầu tác động trực diện và gián tiếp đến nền kinh tế theo cả hai khía cạnh: Tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực rõ ràng hơn khi nhiều thành phần kinh tế được hưởng lợi. Cụ thể: Trong thu ngân sách, khi giá dầu giảm thì nguồn thu ngân sách cũng giảm: Nếu giá dầu thô giảm 1 USD thì ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, Việt Nam là nước tiêu thụ xăng dầu rất lớn (tương đương khoảng 1 tỷ USD trong năm 2014). Do đó, khi giá dầu giảm, nguồn nguyên liệu đầu vào giảm, doanh nghiệp có cơ hội giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, với dự báo giá dầu giảm 33% và giả định xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm khoảng 3%.
Bên cạnh đó, lạm phát thấp do giá dầu giảm cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuấn kinh doanh và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. Thêm nữa, giá dầu giảm tác động không đáng kể tới cán cân thương mại Việt Nam.
Đề xuất tăng thuế VAT xăng dầu lên 15%
Thảo luận tại diễn đàn, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam bổ sung nguyên nhân giá dầu giảm là do “cuộc chiến thị phần” của một số nước XK dầu hàng đầu thế giới. Ông cũng đồng tình với quan điểm giá dầu giảm ảnh hưởng tới Việt Nam vừa tích cực, vừa tiêu cực nhưng khía cạnh tích cực vẫn chiếm ưu thế. Ông Phan Thế Ruệ đề xuất 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần đưa ra 3 kịch bản về giá dầu thô: Giá dầu thô như hiện nay (50-60USD/thùng); giá như năm 2014 (45-50 USD/thùng); ở mức năm 2013 (80-110 USD/thùng). Từ đó, Chính phủ có chính sách phù hợp đối với cả 3 kịch bản nêu trên. Thứ hai, điều chỉnh giảm thuế theo cam kết; áp thuế tuyệt đối đối với xăng dầu nhập khẩu; tăng thuế VAT xăng dầu (15-20%), trước mắt đưa lên 15%. Ngoài ra, sớm mở cửa thị trường xăng dầu, tiến tới thị trường hóa xăng (doanh nghiệp được quyết định hoàn toàn về giá).
Có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự biến động của giá dầu: Nhu cầu sử dụng dầu thô trên thế giới, sản lượng khai thác dầu thô và nguồn cung của các dạng năng lượng khác. |
Về vấn đề thuế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long không đồng tình với đề xuất quy định thuế tuyệt đối vì lạm phát luôn luôn biến động, do đó thuế nên tính tương đối. Chuyên gia này đưa giải pháp: Phải dự báo được xu hướng giá dầu. Ngoài ra, dùng thuế làm “van” điều chỉnh khi giá xăng dầu biến động.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho rằng, phải tính tới việc cân bằng XNK dầu, không để ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tính toán đến việc giảm sản lượng khai thác dầu thô trong một số thời điểm; đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu kinh tế theo hướng tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm chi ngân sách.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần có nghiên cứu, dự báo để có những điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm thích ứng với những biến động của giá dầu thế giới. Qua đó, xây dựng các phương án, đề xuất để điều tiết các loại hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ giá xăng dầu; nhanh chóng điều chỉnh giảm giá ở mức độ phù hợp. Bộ Tài chính cần theo dõi sát sao giá dầu và sử dụng linh hoạt các giải phóa về thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.