Kết nối nhu cầu với thị trường
Từ năm 2013 đến nay cùng với việc xây dựng thương hiệu nông sản, tỉnh Quảng Ninh tập trung vào Chương trình “mỗi” xã, phường một sản phẩm (giai đoạn 2013 - 2016), gọi tắt là OCOP Quảng Ninh. Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ, Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm. Vấn đề này các hộ sản xuất thực hiện được một phần, nhà nước phải đóng vai trò chính để giải quyết, nhất là khâu kết nối thị trường (không chỉ là giải pháp cung cấp thông tin) và xác định, phân tích lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Khi xác định được nhu cầu thị trường về sản phẩm thì các hộ tập trung sản xuất đến khi hoàn thiện được sản phẩm có chất lượng và hàng năm tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm. Khi có ý tưởng sản phẩm thì DN, HTX được thành lập để sản xuất sản phẩm cụ thể. Trước đây, các hộ dân tộc Dao Thanh Y xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ làm rượu truyền thống chủ yếu để uống. Qua Chương trình OCOP, tỉnh đã tư vấn phân tích quy trình sản xuất, phân tích khả năng cạnh tranh sản phẩm rượu, đánh giá tính khả thi khi đưa sản phẩm ra thị trường; hỗ trợ cộng đồng thành lập công ty cổ phẩn với 34 hộ tham gia, góp vốn. Đồng thời hỗ trợ lập dự án và công ty thực hiện đầu tư, ứng dụng công nghệ trong khâu lên men, chiết suất đóng chai bán công nghiệp, xây dựng quy trình và đăng ký thương hiệu. Hiện bà con Dao Thanh Y xã Bằng Cả đã quen với hoạt động của mô hình công ty, cả xã không còn sản xuất rượu theo hộ nhỏ lẻ mà tập trung sản xuất làm lên thương hiệu Rượu Bâu của cả xã. Đi liền là quy hoạch vùng sản xuất tập trung và tái sản xuất lại giống gạo nếp nương phục vụ sản xuất rượu,... Hiện nay một số mặt hàng của Quảng Ninh bắt đầu tiêu thụ tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như: Chả mực, trà hoa vàng, nấm linh chi, mật ong, miến dong...
Khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn
Để thu hút nguồn lực để đầu tư vào sản xuất rất cần sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhất là cải cách các thủ tục hành chính để các hộ sản xuất không cảm thấy “ngại” khi quan tâm, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển của các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình. Theo đó, tất cả các mức hỗ trợ đều cao hơn của Trung ương quy định. Muốn phát triển các thương hiệu thế mạnh nông lâm sản theo Chương trình OCOP, các định phương khác tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển các vùng chuyên canh các loại cây trồng đặc sản, các loại dược liệu quý. Đặc biệt khuyến khích việc đầu tư chế biến, xây dựng các sản phẩm hàng hóa thương hiệu, tránh xuất thô, nhằm tăng tính cạnh tranh và giá trị hàng hóa.
Từ thực tiễn của Chương trình OCOP Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ Công Thương nên bố trí nguồn vốn lớn hơn và chương trình cụ thể cho hỗ trợ xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản hàng năm. Đồng thời Bộ Công Thương và các bộ, ngành cũng cần có chính sách và cơ chế tốt hơn để thực hiện công tác khuyến công và ứng dụng KHCN trong sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp khu vực nông thôn, miền núi, biên giới Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.