Thị trường xuất khẩu được mở rộng cả về quy mô và cơ cấu
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu hàng hoá của nước ta đã mở rộng cả về quy mô và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất, nhập khẩu thế giới.
Bộ Công Thương chủ trương đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể |
Dẫn số liệu chứng minh, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nếu năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu. Trong khi đó, nếu xét về quy mô thị trường xuất khẩu thì, năm 2007 chỉ có 14 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó duy nhất thị trường Hoa Kỳ đạt trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, đã có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự chuyển biến rất tích cực, nếu như năm 2007, xuất khẩu tập trung phần lớn ở khu vực châu Á, chiếm tỷ trọng khoảng 65,8%, Châu Âu và châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 15,2% và 13,4% thì đến năm 2018, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm còn khoảng 53,6%, châu Âu là 18,4% và châu Mỹ là 23,4%.
Đặc biệt, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, 10 thị trường lớn nhất chiếm tỷ trọng khoảng 68% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, 4 thị trường lớn nhất (có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD) chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường này bao gồm Hoa Kỳ và 3 thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Ngoài ra, về khu vực thị trường thì EU cũng là một thị trường lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 41,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế này chứng tỏ chúng ta đã và đang khai thác tốt và khẳng định vị trí của Việt Nam trong một số thị trường xuất khẩu lớn, đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa cao, thể hiện những kết quả tích cực trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thời gian qua.
Thực hiện chiến lược xuất khẩu bền vững, tạo thế chủ động trong phát triển kinh tế
Mặc dù đạt được những bước tiến đáng ghi nhận như trên, song Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, về phương diện mặt hàng xuất khẩu vẫn còn những hạn chế. Theo đó, trong khi các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có cơ cấu thị trường khá đa dạng thì mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản lại chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm khoảng trên 50%).
Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long,...) do vậy, dễ chịu tác động bởi các thay đổi ở các thị trường này dẫn tới ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, tiêu thụ nhóm hàng hóa đó nói riêng và tình hình xuất khẩu chung của cả nước.
Để thực hiện chiến lược xuất khẩu bền vững, tạo thế chủ động và tự chủ trong phát triển kinh tế đất nước trong những giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với Chính phủ ban hành Chiến lược xuất khẩu trong từng thời kỳ và xây dựng Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định các định hướng, giải pháp lớn để thực hiện chủ trương đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu.
Ở thời điểm này, Bộ Công Thương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Rà soát tình hình thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới cho phù hợp với tình hình thực tế và những cam kết quốc tế mới của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Một giải pháp lớn nữa nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đang được Bộ Công Thương quyết liệt triển khai là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin các cấp, chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời xử lý, ứng phó.
Việc tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh ngay từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp, hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO cũng là giải pháp được Bộ Công Thương tích cực thực hiện.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Bộ Công Thương chủ trương đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể. Đồng thời, hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia, ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như: bạch trà, cà phê hòa tan, gạo hữu cơ, tiêu trắng... sang Trung Đông, Liên bang Nga, Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc phát triển một nền ngoại thương bền vững nói chung và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nói riêng đòi hỏi các giải pháp toàn diện và sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương, qua đó định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt chủ trương này. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các Bộ ngành, địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện và có tham mưu chính sách một cách đồng bộ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.