Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 12.967 vụ liên quan đến các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ đối với 11 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tịch thu gần 3 nghìn tỷ đồng.
Buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp |
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng hiện nay, trên thị trường vẫn tràn lan hàng giả, hàng nhái các thương hiệu uy tín trên thế giới và hàng Việt Nam chất lượng cao. Tình trạng này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp và sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
Mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm quần áo, giày dép giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Dior, Chanel… Trong vòng mấy tháng trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện, thu giữ, xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại nhiều mặt hàng như: Hơn 40.000 cuốn sách giáo khoa giả mạo, hơn 20.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em không an toàn, nhiều vụ vận chuyển hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - cho biết, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi phương thức vận chuyển theo hướng giảm số lượng hàng nhập lậu giá trị cao, chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không thay vì đường bộ, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị lớn như: Ma túy tổng hợp, heroin, ngoại tệ, sừng tê giác... Hàng hóa thường được các đối tượng giấu trong người, hành lý, không khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh, lợi dụng quy định được miễn thuế, hàng quà tặng để vận chuyển trái phép hoặc chia nhỏ số lượng, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau.
Đáng chú ý, thay vì tập kết trên xe trọng tải lớn như trước đây, các đối tượng xé lẻ hàng hóa và vận chuyển bằng xe mô tô, xe máy từ biên giới hoặc các tỉnh giáp ranh với Hà Nội để đưa vào sâu trong nội địa.
Trước tình trạng gian lận thương mại diễn biến theo hướng gia tăng, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp.
Cần các giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố - nhận định, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt gần đây các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại luôn tìm mọi cách đối phó với các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Trung ương và Hà Nội, giữa các ngành, các cấp còn hạn chế, thiếu chủ động. Các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chế tài khó áp dụng, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, chống buôn lậu trên địa bàn TP. Hà Nội, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cụ thể, các sở, ngành và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh shisha, bóng cười…, xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra vào từng thời điểm cụ thể như Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để nâng cao hiệu quả đấu tranh. Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhằm ngăn chặn hàng lậu.
Trong quá trình thực hiện phòng, chống và xử lý vi phạm, các đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn: không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; đồng thời tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo vệ.
Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh cần phối hợp ngăn chặn từ xa hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm tại các cửa khẩu, vùng giáp ranh với các tỉnh biên giới, tránh tình trạng hàng lậu đổ về Hà Nội gây khó khăn hơn cho công tác phát hiện, xử lý.
Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đề nghị, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện bộ máy hoạt động của Cục Quản lý thị trường; kiến nghị với Trung ương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. |