Đến thăm nhà ông Lê Đình Quốc (75 tuổi, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chắc hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng trước bộ sưu tập thiết bị âm thanh cổ đồ sộ.
Căn nhà của ông Quốc đặt đầy những radio, bộ máy hát, máy phát nhạc băng cối, loa, đĩa than, băng nhạc xưa và cả những thiết bị điện tử cổ xưa. Vừa mở những bản nhạc xưa, ông Quốc vừa say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những món đồ âm nhạc xưa cũ và cơ duyên với niềm đam mê sưu tầm này.
 |
Căn nhà của ông Quốc đặt đầy những thiết bị âm thanh cổ xưa. |
Ông Quốc cho biết mỗi khi nghe lại những bài nhạc cũ, trong lòng ông Quốc lại sống dậy hoài niệm về một thời đã xa. Đam mê các thiết bị âm thanh xưa cũ đã lâu song mãi đến năm 2015, ông mới đủ kinh tế để có thể hiện thực hoá đam mê của mình.
Ông lặn lội khắp nơi và thuyết phục đủ cách để sở hữu cho mình những thiết bị nổi tiếng một thời như: Akai, Sharp, Sony, Toshiba, Panasonic, National… có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Đến nay, bộ sưu tập của ông có khoảng hơn 100 máy hát, loa, âm ly các loại.
“Thời trước, có những chiếc máy nghe nhạc người chơi có thể phải đổi một hoặc vài căn nhà mới có thể sở hữu. Có những chiếc máy, chiếc loa bằng tuổi tôi nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Dù trải qua hàng chục năm song âm thanh phát ra vẫn rất hay và đặc biệt. Mỗi khi những bản nhạc của Thanh Thúy, Thái Thanh, Khánh Ly… vang lên là ký ức của một thời lại ùa về. Nó đại diện cho cái thời khởi đầu của đồ điện tử “đổ bộ” vào Việt Nam”- ông Quốc tâm sự.
 |
Những thiết bị nổi tiếng một thời như: Akai, Sharp, Sony, Toshiba, Panasonic, National… có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. |
Về độ “hay – bền” của các thiết bị xưa, ông Quốc giải thích: “Những chiếc máy này có âm thanh trung thực, giọng hát xưa không qua chỉnh sửa như thời nay. Có những chiếc radio đã hơn 50 tuổi đời, có những máy phát nhạc tới cả 100 năm nhưng vẫn chạy tốt. Còn băng cối, nếu muốn chơi thì phải am hiểu, khéo léo, nếu không băng sẽ bị rối, đứt, nhiễm âm thanh. Có cái khó nữa là phải tìm tòi băng nhạc hay để nghe, vì thời nay người ta đã không sản xuất ra băng cối nữa”.
Dù đã đầy một nhà “cổ vật” song ông Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm, làm giàu thêm bộ sưu tập của mình. “Mỗi khi đi đâu gặp được một cái máy cũ tôi lại mua về, hễ cứ nghe ai mách bảo ở đâu có máy phát nhạc băng cối, radio cũ, tờ nhạc xưa… tôi lại hỏi đến mua. Tôi cũng sẵn sàng đón chào những ai có cùng đam mê tới chơi và thưởng thức âm nhạc. Nhiều năm nay, căn nhà tôi đang ở cũng là điểm hẹn của những người ưa hoài niệm xưa cũ” - ông Quốc chia sẻ.
Một số hình ảnh bộ sưu tập thiết bị âm thanh cổ tại nhà ông Lê Đình Quốc:
 |
Bộ sưu tập thiết bị âm thanh cổ đồ sộ ghi dấu một thời hoàng kim âm nhạc trước năm 1975 |
 |
Ông Quốc bắt đầu sưu tập các thiết bị âm thanh xưa cũ từ năm 2015 |
 |
Trong bộ sưu tập của ông Quốc, có những chiếc máy nghe nhạc mà ngày xưa phải mất rất nhiều tiền người chơi mới có thể sở hữu được |
 |
Theo ông Quốc, những chiếc máy ông sở hữu có âm thanh trung thực, giọng hát xưa không qua chỉnh sửa như thời nay |
 |
bộ sưu tập âm thanh cổ |
 |
Akai là một trong những thiết bị nổi tiếng một thời |
 |
Một số máy phát nhạc trong nhà ông Quốc |
 |
Ông Quốc có niềm đam mê mãnh liệt với những âm thanh cổ xưa |
 |
Căn nhà của ông Quốc nhiều năm nay là điểm hẹn của những người ưa hoài niệm xưa cũ. |
Ông Lê Đình Quốc sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Để có được cơ ngơi ngày hôm nay, không ai nghĩ ông Quốc đã từng phải bươn chải đủ nghề để sinh sống, từ bán bánh mì, bán kem đến đánh giày… Sau khi bén duyên với nghề sửa radio, cassette, ông Quốc vào Sài Gòn học thêm để nâng cao tay nghề. Tại đây, ông Quốc may mắn xin được vào học tại xưởng sửa chữa lớn. Vì đã có tay nghề từ trước, ông Quốc được học bằng trưởng xưởng-một chứng chỉ khá cao trong nghề. Sau đó về Gia Lai, ông làm trong ngành sửa chữa đồ điện tử. Đến năm 1998, ông Quốc dừng hoạt động ở mảng điện tử để tập trung vào kinh doanh xe đạp, du lịch, nông nghiệp… Với gần 30 năm trong nghề và trải qua nhiều thế hệ của máy móc điện tử, hiện nay, ông Quốc vẫn đang giữ vai trò cố vấn của Hội Điện tử Gia Lai với khoảng hơn 100 thành viên. |