Chợ phiên nông sản cuối tuần: Trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng
Ngày hội của các HTX, người tiêu dùng
Với 32 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX), tiêu biểu như: Nông sản theo chương trình Sinh kế cộng đồng (của Central Retail Việt Nam); các sản phẩm đặc trưng tỉnh Lào Cai; trà và các sản phẩm OCOP Thái Nguyên; các đặc sản cá mòi làng chài ở Hải Phòng; vải thiều Thanh Hà; đông trùng hạ thảo;… Chợ phiên nông sản cuối tuần nhằm kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi siêu thị GO! Big C, cũng như tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản, từ đó hỗ trợ việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Nghi thức cắt băng khai mạc Chợ phiên Nông sản cuối tuần lần đầu tiên được tổ chức tại siêu thị Big C Thăng Long |
Mang đến nhiều sản phẩm như: dưa lê, dưa vàng, bún khô, trà mướp đắng…., tất cả đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, anh Hà Văn Quân - đại diện HTX nông nghiệp Thanh niên Như Cố (xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) - chia sẻ, trong thời gian vừa qua, do tác động của dịch Covid-19 nên đầu ra của nhiều loại nông sản gặp khó khăn. Trong khi sản phẩm bún khô được tiêu thụ rất “chạy” thì các loại rau quả tiêu thụ khá ế ẩm. Lần đầu tiên HTX tham dự phiên chợ nông sản cuối tuần, HTX mong muốn giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP. Bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn học hỏi các HTX bạn về đóng gói, bao bì sản phẩm và cả cách tiếp thị. Hiện, một số sản phẩm của HTX đã được đưa vào kênh phân phối của Big C, chuỗi cửa hàng Bác Tôm, anh Hà Văn Quân cũng kỳ vọng, thông qua các hội chợ và phiên chợ, sẽ có thêm nhiều hơn các sản phẩm của HTX được bán tại kênh phân phối hiện đại, tạo đầu ra ổn định cho các nông sản, thực phẩm của HTX.
Sử dụng thảo dược tự nhiên làm thức ăn và pha nước uống cho gà giống, không sử dụng cám công nghiệp, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh tổng hợp và chất bảo quản,… Công ty Cổ phần Go Fresh Việt Nam mang đến chợ phiên sản phẩm trứng gà mía thảo dược Saschi. Hiện, giá trứng gà đang phân phối trên thị trường với giá 6.000 đồng/quả, tuy nhiên, đến với chợ phiên nông sản, phía công ty có chương trình ưu đãi đặc biệt giảm giá cho người tiêu dùng với giá bán chỉ 4.000 đồng/quả.
Chị Nguyễn Thị Thu – quản lý kinh doanh Công ty CP GO Fress Việt Nam - cho hay, trang trại chăn nuôi tại Hà Nam, sản phẩm được đưa vào tiêu thụ tại thị trường từ đầu năm 2020 và được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu dùng hiện nay đang hướng tới an toàn và sạch. Đến với chợ phiên, phía công ty không đặt nặng vấn đề doanh thu, quan trọng hơn cả là có thể giới thiệu sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối với được nhiều nhà phân phối, đặc biệt đưa sản phẩm vào được các kênh phân phối hiện đại.
Đưa những sản phẩm nông sản chất lượng cao đến bàn ăn của khách hàng, ông Pierre Bertholat - Tổng giám đốc GO!, Big C Việt Nam - kỳ vọng, thông qua chợ phiên nông sản cuối tuần, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm chất lượng sản phẩm trong một không gian thân thiện, dễ dàng. Các đơn bị sản xuất có cơ hội thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và lắng nghe tiếng nói thị trường. Đây cũng là một ngày hội thu nhỏ, giúp người dân từ già đến trẻ có cơ hội trải nghiệm chất lượng sản phẩm trong một không gian thân thiện, gần gũi.
Chợ phiên nông sản cuối tuần khai mạc ngày 5/6, đúng ngày 14/4 âm lịch (nhuận), cũng như rất nhiều người tiêu dùng khác, chị Bùi Thị Phúc Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) đến với phiên chợ chọn mua cho mình nhiều sản phẩm tươi ngon như: dưa lê, xoài… để thắp hương gia tiên. Mận hậu Sơn La loại 1 có giá 80.000 đồng/kg, loại 2 là 60.000 đồng/kg, quả to, tròn, còn nguyên cả phấn, rất nhiều người chọn mua làm quà. Ngoài ra, nhiều nông sản khác như miến, bún khô, vú sữa lò rèn (Tiền Giang); xoài (Sơn La); sản phẩm gạo hữu cơ; trứng gà mía thảo dược;… được nhiều người chọn mua, bởi lẽ, giá cả phù hợp, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Trong khuôn khổ chương trình diễn ra các hoạt động nổi bật như: Chợ phiên nông sản; ẩm thực đường phố từ sản phẩm hữu cơ; các hoạt động trải nghiệm sản phẩm mới; kết nối doanh nghiệp/ hợp tác xã với hệ thống siêu thị GO!, Big C; tập huấn quy trình vào hàng của Big C; tổ chức hội thi sản phẩm nông sản tiêu biểu của các HTX nông nghiệp tham gia chợ phiên và sẽ trao giải thưởng cho các sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng bình chọn và sẽ được ưu tiên đưa vào kinh doanh tại chuỗi siêu thị GO!, Big C toàn quốc.
Truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… chinh phục người tiêu dùng
Đánh giá về xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho các HTX phát triển sản xuất và quy hoạch trong thời gian tới, ông Pierre Bertholat cho hay, đầu tiên, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua tem truy xuất trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ, từ đó hoàn toàn yên tâm khi mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Những mặt hàng như su su Nghệ An, cam Cao Phong, cà rốt Hải Dương… được bày bán tại các siêu thị Big C trên toàn quốc với tem truy xuất đã đạt được doanh số tiêu thụ ấn tượng. "Các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp chúng tôi tiêu thụ hàng rất mạnh mẽ trên thị trường. Số lượng các nhà cung cấp có chứng nhận này ngày càng tăng lên trong danh sách nhà cung cấp của chúng tôi", ông Pierre Bertholat nói.
Sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ là yếu tố thứ hai được ông Pierre Bertholat đề cập đến. Theo ông, khách hàng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm được sản xuất hữu cơ, dù cho các mặt hàng nông sản này được bán với giá thành cao hơn so với thông thường. “Thực tế, ngay tại Big C Thăng Long, khu vực rau củ quả organic luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Có thời điểm không đủ hàng cung cấp cho người tiêu dùng”, ông Pierre Bertholat nói.
Ngoài ra, người Việt Nam với tâm lý mùa nào thức nấy, ưa chuộng các sản phẩm đặc sản địa phương hay các sản phẩm mang tính chất mùa vụ. Chính vì vậy, các chương trình quảng bá tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, cá Sông Đà… kết hợp cùng các bộ, ngành thực hiện tại Big C trong những năm qua đã gây được tiếng vang lớn, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách hàng, mở rộng tiêu thụ và đạt được những kết quả ấn tượng.
Trên thực tế, lấy trọng tâm là phát triển thị trường nội địa, trong thời gian qua, nhiều nông sản đang tìm cách nâng cao chất lượng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, cải tiến cách đóng gói... để chinh phục người Việt. Các chuyên gia cho rằng, cùng với việc nâng cao chất lượng thì những chương trình xúc tiến thương mại lớn có thể là các hội chợ và nhỏ hơn là các chợ phiên sẽ là đòn bẩy quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường liên kết chuỗi giữa bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, các chuỗi siêu thị, tạo đầu ra bền vững cho nông sản các địa phương.
Sự kiện khai mạc tại Big C Thăng Long là khởi động cho hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; chuỗi 4 phiên chợ được lần lượt tổ chức tại Bic C Thăng Long (Hà Nội, từ ngày 4 - 7/6/2020); tại Big C Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Big C An Lạc (TP. Hồ Chí Minh) và siêu thị Big C Cần Thơ, TP. Cần Thơ. |
Một số hình ảnh tại Chợ phiên nông sản đầu tiên được tổ chức tại siêu thị Big C Thăng Long
Trứng gà mía thảo dược Saschi đến với chợ phiên |
Chợ phiên nông sản cuối tuần với 32 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng đặc sản địa phương |
Mận hậu Sơn La loại 1 được bán với giá 80.000 đồng/kg và loại 2 bán với giá 60.000 đồng/kg |