Chính thức khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 15/11/2023 12:00
Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng 2023 |
Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - (IDC) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức.
Cơ hội tiếp cận đối tác
Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (Vimexpo 2023) thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là sự kiện cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư. Vimexpo 2023 với mục tiêu "Kết nối để phát triển", qua 3 lần tổ chức đã nhận được nhiều sự quan tâm tham dự và ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Triển lãm |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, ngành Công nghiệp hỗ trợ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ xác định là ngành công nghiệp quan trọng, là nội lực của sự phát triển công nghiệp quốc gia. Do vậy, nhiều cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành, trong đó phải kể đến Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Thứ trưởng nêu, đối với lĩnh vực chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2022, GDP cả nước tăng 8,02%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đóng góp vào kết quả tích cực này không thể không kể đến vai trò rất lớn của sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Có thể khẳng định, những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế với định hướng “Kết nối để phát triển”, tôi tin tưởng rằng Vimexpo 2023 sẽ trở thành “điểm gặp gỡ lý tưởng” giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; góp phần cụ thể hóa, hiện thực hoá mong muốn và chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên cơ sở phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp lớn mạnh cả về lượng và chất"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Ấn nút khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - Vimexpo 2023 |
Tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nội địa khi các dự án FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Chia sẻ tại Lễ khai mạc, ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang dịch chuyển mang tính toàn cầu, để ngành chế biến chế tạo của Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thì việc sự tăng trưởng của ngành công nghiệp có liên quan, tức là ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng. Có thể nói, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ trong việc góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp có liên quan của Việt Nam.
Ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản phát biểu tại Triển lãm |
"Để Việt Nam có thể phát triển hơn nữa trong ngành chế biến chế tạo, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, bên cạnh việc thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, quan trọng là Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tôi rất mong chờ được chứng kiến nhiều trưng bày, triển lãm thú vị tại VIMEXPO 2023 lần này hướng tới kỷ nguyên mới trong ngành chế biến chế tạo”- ông Watanabe Shige nói.
Đồng quan điểm, ông Darryl James Dong- Đại diện cấp cao Tổ chức Tài chinh Quốc IFC tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đã khẳng định mình là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Đây là một khởi đầu thuận lợi, thời gian qua Việt Nam đã thu hút được các nguồn vốn đầu tư FDI và các công ty đa quốc gia khá ấn tượng và nhiều công ty trong số đó có mặt tại Triển lãm hôm nay.
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Vietnam kỳ vọng, triển lãm sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu. Trên nền tảng triết lý kinh doanh của Samsung Viêtnam là “đồng thịnh vượng”, trong thời gian tới Samsung cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tiếp tục các hoạt động phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển bền vững.
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Vietnam kỳ vọng, Vimexpo 2023 sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu |
Có mặt tại Triển lãm, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) ghi nhận, Vimexpo 2023 mang lại với nhiều cơ hội kết nối với doanh nghiệp quốc tế và trong nước. Triển lãm sẽ tiếp tục giúp VEAM cũng như các doanh nghiệp đạt được những hiệu quả và mục tiêu tích cực trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường từ đó tạo ra cơ hội hợp tác, mở rộng mối quan hệ và tiếp cận với những tiến bộ công nghiệp hàng đầu thế giới, tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt Nam cũng như VEAM trong việc tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thăm quan tại Triển lãm |
Vimexpo 2023 có qui mô 7000m2, với gần 300 gian hàng với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp: Tập đoàn Thaco, Toyota Việt Nam, Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), Samsung Việt Nam, Kowang, Horn & Boehlerit, Jaan – E, Hanoi Plastic, Yangmin, Hợp kim Tân Phong, Cơ khí 83, Vproud, Shensu, Ema, JS Tech... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Gian hàng của Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) tại Triển lãm |
Vimexpo 2023 tiếp tục thực hiện sứ mệnh "Kết nối để phát triển", khẳng định là địa điểm, môi trường cầu nối giúp các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo có cơ hội giao lưu chia sẻ các công nghệ tiên tiến, cơ hội tiếp cận đối tác, mở rộng thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều công nghệ hiện đại được giới thiệu tại Triển lãm Vimexpo 2023 |
Trong khuôn khổ các ngày diễn ra triển lãm, Ban tổ chức Vimexpo 2023 phối hợp với các cơ quản quản lý nhà nước, hiệp hội chuyên ngành sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động bên lề thiết yếu đối với các doanh nghiệp: Hội thảo chuyên ngành với chủ đề "Hướng dẫn tiếp cận thị trường Mỹ cho doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" ; Chương trình tọa đàm trực tiếp chủ đề "Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp"; Hoạt động kết nối doanh nghiệp: "Kết nối giao thương - Business Matching" cùng nhiều hoạt động trình diễn công nghệ, sự kiện hữu ích khác do các doanh nghiệp tham dự trong nước và quốc tế đồng thời được tổ chức trong 3 ngày diễn ra triển lãm.
Triển lãm VIMEXPO 2023 sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 9h00 đến 17h30 trong 3 ngày 15 đến 17/11/2023, kỳ vọng thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan. VIMEXPO 2023 khẳng định vai trò là sự kiện thường niên uy tín và chuyên nghiệp nhất của Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo tại Việt Nam. |