Thu hút đầu tư tại Bắc Ninh: Chọn lọc thị trường trọng điểm Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 tăng ấn tượng 15,21% |
Thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn
Bắc Ninh đang là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trên toàn cầu, như: Amkor Technology, Victory Giant Technology… Ngoài ra, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thu hút một số dự án đầu tư về lĩnh vực bán dẫn như: Nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components (Khu công nghiệp Yên Phong I); Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP)…
Những dự án này không chỉ có quy mô lớn, tạo thêm “hiệu ứng” dẫn dắt các nhà sản xuất bán dẫn, chip của Hoa Kỳ, Hàn Quốc… đầu tư vào Bắc Ninh mà còn đi đúng theo chủ trương quy hoạch của địa phương.
Chính sách hấp dẫn tạo sức hút dòng vốn đầu tư vào Bắc Ninh. Ảnh: Bacninh.gov.vn |
Theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; công nghệ cao; đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) trong khu vực Đông Nam Á.
Để chuẩn bị tốt điều kiện thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, Bắc Ninh đã và đang tập trung xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể hóa mục tiêu, mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND quy định hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.
Theo Nghị quyết này, Bắc Ninh hỗ trợ nhà giáo có trình độ sau đại học được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm với giáo sư: nam 200 triệu đồng, nữ 220 triệu đồng; phó giáo sư: nam 140 triệu đồng, nữ 160 triệu đồng; tiến sĩ: nam 100 triệu đồng, nữ 120 triệu đồng; thạc sĩ ngành công nghiệp bán dẫn: nam 80 triệu đồng, nữ 100 triệu đồng.
Địa phương cũng sẽ hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng nếu các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm; hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn để học chuyển đổi, bồi dưỡng nâng cao thuộc chuyên ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học, học viện trong nước và nước ngoài tổ chức.
Đối với người học nghề, tỉnh hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn từ 1.640.000 - 2.940.000/tháng/người tùy bậc học và năm học; hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo với mức chi hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.
Với việc ban hành Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND, Bắc Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ việc giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn. Đây được nhận định là chính sách quan trọng để Bắc Ninh trở thành “thủ phủ công nghiệp công nghệ cao”.
Theo ông Shigeyuki Okamoto - Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang rất lớn, công ty đánh giá cao chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Bắc Ninh.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Bắc Ninh có 4 lợi thế và đã trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản: Lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng phát triển tốt, nơi tập trung nhiều nhà cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư. Điều quan trọng không thể không nhắc tới đó là sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương.
Ông Shigeyuki Okamoto nhắc lại giai đoạn thiếu điện của năm 2023, chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn lắng nghe doanh nghiệp và đảm bảo những tác động tới sản xuất được giữ ở mức tối thiểu. “Tại thời điểm này, Bắc Ninh đã đạt được mức độ cao nhất trên thế giới ở phương diện vị trí và môi trường đầu tư thuận lợi cho một nhà máy sản xuất”, ông Shigeyuki Okamoto nhấn mạnh.
Chia sẻ chung của nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn, bên cạnh sự thông thoáng về môi trường đầu tư, việc sẵn sàng nguồn nhân lực không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty công nghệ cao mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế Bắc Ninh.
Thu hút đầu tư duy trì đà tăng trưởng
Minh chứng rõ nét thể hiện qua kết quả 7 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút thêm 279 dự án đầu tư nước ngoài, tăng tới 97 dự án (tức tăng 53,3%) so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, dòng vốn FDI vào địa phương 7 tháng qua vẫn duy trì đà tăng mạnh, cho thấy hiệu quả trong việc nỗ lực thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Bàn về giải pháp để địa phương tiếp tục thu hút FDI thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ tập trung giải quyết các lĩnh vực nhà đầu tư đang quan tâm, đó là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 423/QĐ-UBND về việc phê duyệt 167 dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030. Chủ tịch yêu cầu văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương công bố “Danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị lựa chọn dự án, lĩnh vực ưu tiên xây dựng kế hoạch triển khai, thu hút đầu tư đảm bảo việc đề xuất phù hợp với các cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy định pháp luật có liên quan; rà soát, cập nhật quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định.
Thêm một thông tin đáng chú ý, trong quý III/2024, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, làm việc để giới thiệu đến nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp; dự kiến làm việc với khoảng 100 lượt nhà đầu tư và thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh dự kiến, quý III năm nay có thêm 10 dự án thứ cấp đi vào hoạt động; phấn đấu năm 2024, trong các khu công nghiệp tập trung có thêm 60 dự án thứ cấp đi vào hoạt động, nâng giá trị xuất khẩu đạt 36 tỷ USD; giá trị nhập khẩu 29 tỷ USD; nộp ngân sách thông qua các khoản thuế khoảng 12.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 310.000 lao động.
Để chuẩn bị tốt điều kiện thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch khu công nghiệp công nghệ thông tin diện tích 263,5 ha đang tiến hành lập phân khu theo quy định và lựa chọn nhà đầu tư. Khu công nghệ thông tin tập trung Bắc Ninh có vị trí kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên. |