Bắc Ninh dần lấy lại “phong độ” của địa phương năng động, hấp dẫn nhà đầu tư Vì sao Bắc Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư vào công nghiệp bán dẫn? |
Tiêu thụ công nghiệp chế biến chế tạo tăng
Báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, lũy kế đến cuối tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh đã cấp 1.576 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 267.455,5 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay, toàn tỉnh có 2.347 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt 27.673 triệu USD.
Sản xuất các loại van phục vụ ngành bán dẫn tại Công ty TNHH Fujikin Việt Nam- Chi nhánh Nhà máy Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP) |
Đáng nói, hơn 80% số vốn các dự án FDI ở Bắc Ninh thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Và cũng trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho giảm.
Cụ thể, riêng tháng 6/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,1% so với tháng trước. Có 9/19 ngành sản xuất tiêu thụ tăng, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất thiết bị điện (+83%); sản xuất đồ uống (+25,3%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+52,7%)…
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Bắc Ninh tăng 33,1%. 16/19 ngành sản xuất có mức tiêu thụ tăng, một số ngành có mức tăng cao là: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (+82,5%); sản xuất kim loại (+38,7%); sản xuất thiết bị điện (+30,3%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+42,5%)… Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giới chuyên gia nhận định, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho giảm là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Đồng thời chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/6/2024 so với cùng thời điểm tháng trước (+1,09%) cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng, doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tăng sản lượng và tăng số lượng lao động.
Đón thêm những nguồn lực mới
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa đối tác, hướng tới nhiều kênh phát triển hơn. Cụ thể hóa mục tiêu, những ngày đầu tháng 7 năm nay, Đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh đã tới thăm và làm việc tại một số quốc gia châu Âu gồm: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Séc và Cộng hòa Hungary nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh.
Trong chuyến thăm và làm việc lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải và bà Nadja Zivkovic - Quận trưởng Marzahn-Hellersdorf (Đức) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị. Bản ghi nhớ hợp tác này sẽ triển khai nhiều hoạt động, trước hết là thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh thiếu niên, kinh tế, thương mại, văn hóa và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm, để cùng nhau phát triển. Đồng thời, tăng cường trao đổi đoàn, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Đức.
Trước đó, những ngày cuối tháng 6/2024, trong chuyến tham gia Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh ông Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy Chứng nhận điều chỉnh đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc cũng thống nhất Bản ghi nhớ về Phát triển đô thị khu vực Đông Nam TP. Bắc Ninh trong chương trình đối tác tăng trưởng đô thị trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ Hàn Quốc - Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh còn tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Qatar, Nam Phi…
Để tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới môi trường đầu tư nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tiếp tục thực hiện hút đầu tư FDI theo tiêu chí “ba cao” (công nghệ cao, môi trường cao, ngân sách cao) và “hai ít” (sử dụng ít đất, ít lao động); ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, các ngành được khuyến khích đầu tư là công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học. Cùng với đó sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, dịch vụ giải trí.
Nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn là “thương hiệu” nổi bật trong thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đã trở thành ví dụ điển hình về sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả trong thu hút đầu tư. Để tạo nên thương hiệu đó là một quá trình dài, đòi hỏi tư duy chiến lược mang tính đột phá và quan điểm nhất quán về thu hút đầu tư có chọn lọc. |