Theo Aljazeera, ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, tuyên bố rằng, Israel sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công không ngừng nghỉ nhằm vào Hezbollah tại Lebanon và bác bỏ mọi thỏa thuận ngừng bắn có thể ngăn cản chiến dịch quân sự. Ông Katz khẳng định, mục tiêu của Israel là giải giáp Hezbollah và đảm bảo an toàn cho người dân tại miền Bắc Israel, nhấn mạnh rằng sẽ không có “khoảng dừng” nào cho đến khi các mục tiêu trên được hoàn thành.
“Israel sẽ không ngừng bắn cho đến khi Hezbollah buông vũ khí để xin hàng và người dân của chúng tôi có thể trở về nhà an toàn”, ông Katz nhấn mạnh trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Ông Israel Katz phát biểu tại Jerusalem ngày 12/11. Ảnh: AFP |
Israel không kích ác liệt tại các ‘thành trì’ chiến lược
Trong cùng ngày, Israel đã tiến hành ít nhất 10 đợt không kích vào miền Nam Beirut, khu vực được xem là “thành trì” của lực lượng Hezbollah. Truyền thông Lebanon cho biết, các đợt tấn công đã gây ra cột khói xám dày đặc bao trùm cả khu vực. Các cuộc không kích tiếp diễn tại Nabatiyeh và Hermel, phá hủy một tòa nhà lớn tại Nabatiyeh. Đặc biệt, thị trưởng Nabatiyeh đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần đây, khi Israel quyết liệt truy quét các mục tiêu của Hezbollah. Trước đó, Israel đã từng san bằng một khu chợ lịch sử ở Nabatiyeh, gây phẫn nộ trong cộng đồng địa phương.
Khói bốc lên từ miền nam Lebanon sau đợt không kích của Israel. Ảnh: AFP |
Cuộc đối đầu giữa Israel và Hezbollah bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, sau khi Israel xảy ra xung đột với Hamas ở Dải Gaza. Căng thẳng biên giới tiếp tục leo thang từ cuối tháng 9 năm nay, khi Israel phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn vào các khu vực miền Nam Lebanon và vùng ngoại ô phía Nam Beirut, cũng như Thung lũng Bekaa. Bộ Y tế Lebanon báo cáo rằng tính đến thời điểm hiện tại, hơn 3.240 người đã thiệt mạng kể từ khi căng thẳng leo thang vào cuối tháng 9.
Iran gấp rút xây dựng ‘hầm phòng thủ’ tại Thủ đô Tehran
Không chỉ dừng lại ở Lebanon, Israel còn tăng cường các cuộc không kích nhằm vào Iran. Gần đây, Iran đã bắt đầu xây dựng một “hầm phòng thủ” đặc biệt nằm trong hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Tehran nhằm đề phòng khả năng Israel sẽ tiếp tục tấn công vào lãnh thổ của họ.
Một căn cứ không quân ngầm tại địa điểm không được tiết lộ ở Iran. Ảnh: The Jerusalem Post |
Chia sẻ với các phóng viên tại Tehran ngày 12/11, ông Jafar Tashakori, lãnh đạo Ủy ban Giao thông Tehran, cho biết: “Đường hầm này kết nối các khu vực khác nhau của thành phố như một phần của chiến lược tổng thể.” Ông Tashakori cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Tehran xây dựng một đường hầm có chức năng phòng thủ, kết nối giữa các khu vực của thành phố và cung cấp lối đi trực tiếp đến một bệnh viện.
Dự kiến vào ngày 20/11, Iran sẽ tổ chức hội nghị có tên “đường hầm phòng thủ” tại Học viện của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) để thảo luận về chiến lược xây dựng hầm trú ẩn và các phương pháp phòng thủ mới.
Israel sẽ nhắm tới cơ sở hạt nhân Iran?
Ngày 26/10, Israel đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Iran, tuyên bố tập trung vào các mục tiêu quân sự và tránh các cơ sở hạt nhân, dầu mỏ. Iran cho biết đã kịp thời ngăn chặn cuộc không kích này và giảm thiểu thiệt hại. Ngược lại, Israel cho rằng đã đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến dịch. Sau đó, Iran đã cảnh báo sẽ trả đũa, khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, trong khi Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình.
Nhiều người dân Iran sau vụ không kích của Israel đã lên mạng xã hội bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt các cơ sở trú ẩn an toàn và kêu gọi cải thiện các biện pháp phòng vệ cho dân thường.
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: Getty |
Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz nhận định rằng: “Các cơ sở hạt nhân của Iran đang dễ bị tấn công hơn bao giờ hết và Israel có cơ hội thực hiện mục tiêu vô hiệu hóa mối đe dọa hiện hữu mà Iran có thể gây ra đối với quốc gia Do Thái”. Ông Katz khẳng định, Israel sẽ kiên quyết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để loại bỏ các nguy cơ từ Iran, đồng thời không loại trừ khả năng tiếp tục triển khai các cuộc tấn công vào các mục tiêu chiến lược của Iran trong tương lai.
Fox News cuối tháng 10 dẫn lời quan chức Mỹ và Israel nói chiến dịch của IDF đã loại bỏ ba tổ hợp phòng không S-300 và khiến Iran "trần trụi". Đây là ba tổ hợp S-300 còn lại trong biên chế quân đội Iran, sau khi một tổ hợp bị phá hủy hồi tháng 4.
Iran chưa bình luận về thông tin trên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh cuối tháng 10 nói hoạt động sản xuất tên lửa vẫn bình thường sau cuộc không kích của Israel và Tehran vẫn đủ sức đáp trả Tel Aviv. Tuy nhiên, ông dường như ngầm thừa nhận một hệ thống phòng thủ đã bị hư hại trong cuộc không kích của Israel, khi nói rằng nó "đã được thay thế trong ngày hôm sau", nhưng không công bố thêm chi tiết.
Nếu nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran, Israel có thể vượt qua mọi lằn ranh trong cuộc xung đột, khiến căng thẳng leo thang và kéo Washington liên quan trực tiếp hơn tới chiến sự Trung Đông.