Chiến sự Nga-Ukraine 19/11: Mỹ không thể ước tính kho tên lửa của Nga |
“Ukroboronprom đã đạt được sự đồng thuận và sẽ tham gia phát triển, sản xuất vũ khí hạng nặng, thiết bị quân sự cùng 6 quốc gia trong khối NATO”, trích thông cáo của Ukroboronprom.
Ukraine đang tìm cách đảm bảo nguồn cung vũ khí và đạn dược trong bối cảnh nguồn viện trợ từ NATO đang giảm dần. Ảnh: Lenta. |
Theo đó, Ukraine có thể hợp tác với Ba Lan, CH Czech, Pháp, Đan Mạch và một số quốc gia giấu tên sản xuất vũ khí với ưu tiên là cung cấp và bù đắp khối lượng tổn thất vũ khí, trang bị của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Hiện tại, các bên đang thiết lập liên doanh với mục tiêu nhanh chóng sản xuất các dòng xe bọc thép, pháo phản lực, cũng như các loại đạn dược cỡ 120, 122 hay 152mm bằng dây chuyền và công nghệ quốc phòng của các quốc gia NATO.
Về thông tin này, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không quá ngạc nhiên, khi trước đó NATO đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, thậm chí cả lính đánh thuê cho Ukraine.
“Họ đang tổ chức chống lại chúng ta trên mọi mặt trận từ chiến trường tới chiến tranh thông tin”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh.
Về tình hình chiến sự tại miền Đông, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại tỉnh Donetsk và Lugansk. Trên các chiến quả đạt được, Quân đội Nga và đồng minh tiếp tục triển khai tấn công tại Pavlovka, Gorlovka, Ugledar… Chiến sự tại các thị trấn trọng điểm như Bakhmut và Adviika diễn biến tiến chậm do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh.
Tại Kherson và Zaporozhye do chiến tuyến đã được phân định, cả hai phía đều củng cố công sự và vị trí phòng thủ trước cho mùa đông sắp tới.
Liên quan tới tình hình nguồn năng lượng và điện hiện tại của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đánh giá, tình hình vẫn rất khó khăn tại 17 khu vực trên cả nước, trong đó đặc biệt là tại Thủ đô Kiev và thành phố Odessa.
“Hầu hết các khu vực đang bị cắt điện luân phiên, nhưng khó khăn nhất là tại tỉnh Odessa Vinnitsa và Ternopil”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Do thiếu điện và năng lượng, trong ngày 18/11, người dân TP Odessa đã xuống đường biểu tình. Cư dân tại Thủ đô Kiev tin rằng, chính phủ đang cắt điện để ưu tiên cung cấp cho các khu vực “yêu nước hơn”.
Người dân châu Âu đang hứng chịu những hậu quả từ cuộc chiến tại Ukraine. Điều này có thể ảnh hưởng tới chính sách ủng hộ Kiev trong thời gian tới của EU và NATO. Ảnh: AP. |
Đánh giá về tình hình hệ thống năng lượng hiện tại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Ukraine Oleksandr Kharchenko cho biết, nếu hệ thống điện quốc gia bị sập, sẽ phải mất từ 3 tới 10 ngày để khôi phục. Hậu quả của hệ thống điện sau vụ không kích ngày 15/11 của Nga đã được khắc phục một phần, nhưng tình trạng hệ thống đang rất bất ổn định và khó có thể chống chịu các đợt tấn công tiếp theo.
Giới chức Ukraine trước đó đã khuyến cáo người dân nên rời thành phố lớn về các làng quê để tận dụng hệ thống sưởi ấm truyền thống trong bối cảnh mùa đông đã tới và nền nhiệt độ giảm sâu.
Trong khi đó, cuộc chiến Ukraine cũng ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của người dân các quốc gia châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng, việc làm và tài chính của người châu Âu.
Người châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng về giá cả tăng cao và sức mua bị thu hẹp. Các nhà phân tích nói rằng, điều đó hiện không làm giảm sự ủng hộ của công chúng châu Âu đối với Ukraine, nhưng tình thế có thể đổi khác trong mùa đông lạnh lẽo sắp tới.
John Springford, Phó giám đốc của Trung tâm Cải cách châu Âucho biết, người dân châu Âu khá tức giận vì tình hình hiện tại.
"Tôi nghĩ rằng, người dân hiểu rõ tình hình lạm phát cao là do cuộc chiến ở Ukraine", ông Springford nhấn mạnh.
Lạm phát trong tháng 10/2022 đã tăng lên gần 11% tại 19 quốc gia sử dụng đồng Euro. Các chuyên gia dự đoán Liên minh châu Âu có thể sẽ rơi vào suy thoái ít nhất là ngắn hạn vào cuối năm nay.
Giám đốc Sebastien Maillard của Viện Jacques Delors, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Paris nhận định: “Công chúng đang đổ lỗi cho chính phủ của họ vì đã không bảo vệ họ trước lạm phát".
Ông Maillard cho biết, người châu Âu không muốn họ trả giá cho việc ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga. Ông nói rằng, nhiều chính phủ châu Âu không thể tiếp tục bù đắp "cú sốc" giá cả bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho người dân - ví dụ như trợ cấp năng lượng.
“Nếu có sự gián đoạn bất ngờ về cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông này, chúng ta có thể sẽ chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự và bất ổn của chính phủ gia tăng hơn nữa”, Philipp Lausberg, Nhà phân tích của Trung tâm Chính sách châu Âu đánh giá.
Theo ông Lausberg, nếu thời tiết băng giá và nguồn cung cấp năng lượng ngày càng eo hẹp, tình đoàn kết của châu Âu đối với Ukraine có thể phai nhạt - và các chính phủ châu Âu có thể là những người đầu tiên cảm nhận được hậu quả.