Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Ukraine thay chỉ huy ở Donetsk
Reuters dẫn thông tin từ một quan chức quân sự Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã thay vị trí chỉ huy ở khu vực Donetsk tại miền Đông, nơi lực lượng Nga đang đạt đà tiến nhanh chóng.
Theo đó, Tướng Oleksandr Tarnavskiy (54 tuổi) được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm tác chiến và chiến thuật Donetsk, thay thế Tướng Oleksandr Lutsenko.
Ông Zelensky sẽ thảo luận về các hình thức chấm dứt xung đột
Politico dẫn nguồn tin cho hay, Tổng thống Zelensky sẽ gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels để thảo luận về các giải pháp khả thi nhằm chấm dứt xung đột và khả năng thành lập phái đoàn gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine.
Lực lượng vũ trang Nga. Ảnh: RIA |
Được biết, cuộc họp sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Các chính trị gia sẽ thảo luận về các phương án chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, cũng như khả năng đưa quân đội EU vào Ukraine như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Đức phản đối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine
Người đứng đầu Chính phủ Đức và là ứng cử viên cho chức Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) trong cuộc bầu cử, Olaf Scholz, một lần nữa nói ông sẽ không cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
“Sẽ là sai lầm khi nói: Chúng tôi muốn cuộc chiến diễn ra theo cách mà vũ khí chúng tôi cung cấp sẽ tiếp cận sâu vào lãnh thổ của đối phương. Rõ ràng chúng tôi sẽ không làm điều này”, DPA dẫn lời ông Scholz nói.
Đồng thời, Thủ tướng Đức lên tiếng ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine và việc giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng.
Ông Scholz lưu ý, vấn đề viện trợ thêm cho Ukraine và tài trợ cho các khoản đầu tư xã hội là rất quan trọng đối với cuộc bầu cử liên bang.
“Tại thời điểm này, chúng ta cần đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có viện trợ Ukraine hay không”, ông Scholz nói thêm.
Đức phản đối gửi lính gìn giữ hòa bình đến Ukraine
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, Markus Faber mới đây đã phản đối việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tới Ukraine với sự tham gia của lực lượng vũ trang Đức vào thời điểm hiện tại.
“Các lực lượng gìn giữ hòa bình phải hoạt động ở cấp độ quốc tế, được trang bị vũ khí tốt và có nhiệm vụ đáng tin cậy. Hiện tại, đây là một cuộc thảo luận mang tính lý thuyết”, ông Faber nói và tin rằng, cho đến khi xung đột ở Ukraine kết thúc, Đức không cần đưa quân đội đến đó.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels, đã không loại trừ việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình từ Đức đến Ukraine trong trường hợp ngừng bắn.
Theo bà, cùng với những đảm bảo an ninh dưới hình thức thành viên NATO, có thể xem xét sự hiện diện quốc tế để đảm bảo tuân thủ lệnh ngừng bắn. Chính trị gia này nói thêm, Đức sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ mọi hành động nhằm đạt được hòa bình.
Hé lộ thời gian có thể ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Nga
Nghị sĩ quốc hội Ukraine Alexander Dubinsky cho rằng, một thỏa thuận đình chiến với Nga có thể được ký kết sau 5 tuần.
“Việc từ chối thỏa thuận ngừng bắn bây giờ để kết thúc sau 5 tuần có ích gì? Có bao nhiêu người sẽ không trở về nhà trong thời gian này?”, TASS dẫn lời ông Dubinsky cho biết.
Chính trị gia Ukraine cũng lên án gay gắt các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine bằng tên lửa ATACMS vào sân bay ở Taganrog của Nga, khiến quân đội Nga phải đáp trả.