Chiến sự Israel-Hamas ngày 9/11/2023: Nhà Trắng lên tiếng cảnh báo Israel không nên chiếm đóng Dải Gaza
Tờ The New York Times đăng tải, Nhà Trắng đã cảnh báo chính quyền Israel không nên chiếm đóng Dải Gaza. Theo Washington, đây sẽ là "điều sai trái" mà Tel Aviv nên tránh.
“Chúng tôi đang tích cực thảo luận với các đồng nghiệp Israel về việc Dải Gaza sẽ như thế nào sau xung đột. Tổng thống Joe Biden giữ quan điểm rằng việc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tái chiếm đóng là điều sai trái”, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược Nhà Trắng John Kirby cho biết.
Sau nhiều tuần chiến sự, khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Dải Gaza khi số nạn nhân do xung đột tăng đột biến Ảnh: Reuters |
Đây là phản ứng mới nhất của Mỹ trước tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng sau khi kết thúc chiến sự ở Dải Gaza, Tel Aviv có thể nắm quyền lãnh đạo khu vực trong một “thời gian không xác định”. Điều tương tự đã được Israel thực hiện hồi năm 2005
Trước đó, ông John Kirby cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thuyết phục Israel tạm dừng chiến sự để mở đường cho các hoạt động nhân đạo dù Tel Aviv đã từ chối. Ông John Kirby cũng nói thêm rằng quá trình đàm phán hiện đang ở giai đoạn đầu và nhắc lại rằng ban đầu người Israel thậm chí còn phản đối việc cung cấp hàng hóa nhân đạo cho Dải Gaza.
Liên quan tới cuộc xung đột /chu-de/chien-su-israel-hamas.topic, chuyên gia quân sự, đại tá về hưu, giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga Yuri Knutov đánh giá với tình trạng thiếu hụt đạn pháo 155mm Mỹ cung cấp cho Israel và Ukraine, các vấn đề của IDF chỉ có thể bắt đầu nếu các quốc gia Ả rập khác tham gia xung đột. Nếu không, Tel Aviv sẽ có đủ dự trữ đạn dược cho cuộc chiến.
“Thông thường, Israel thực hiện các hoạt động tương tự như hiện tại theo cách sau: Giai đoạn tập trung trong khoảng một tháng, sau đó là hai hoặc ba tháng giảm cường độ và phong tỏa. Giai đoạn tích cực nhất đã trôi qua khoảng một tuần trước, đồng nghĩa với việc xung đột sẽ tiếp tục kéo dài thêm ba tuần nữa. Trong giai đoạn này, Israel sẽ có đủ đạn pháo từ nguồn dự trữ và Mỹ viện trợ”, chuyên gia Yuri Knutov nói.
Tuy nhiên, ông Yuri Knutov nhận định các vấn đề có thể nảy sinh nếu các nước khác trong thế giới Ả rập quyết định hỗ trợ người Palestine. Tuy nhiên, thực tế là ngay cả nhóm Hezbollah của Lebanon cũng không muốn tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột hiện nay
“Thứ Sáu tuần trước, Hezbollah dự kiến sẽ tuyên bố tham gia cuộc xung đột, nhưng điều này đã không xảy ra. Iran sẽ chỉ tham gia với những điều kiện nhất định. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đi khắp Trung Đông và có lẽ đã có một số thỏa hiệp rằng, lãnh đạo các nước hiểu rằng nếu họ không tuân theo Mỹ, các biện pháp trừng phạt tương tự sẽ được áp dụng”, chuyên gia quân sự Nga đánh giá.
Do quy mô hoạt động quân sự của Israel không quá lớn nên Mỹ có thể tìm đủ nguồn lực để cung cấp cho IDF số lượng đạn pháo cần thiết.
Trước đó, Mỹ thông báo cạn kiệt nguồn đạn pháo 155 mm dự trữ do viện trợ cho Israel và Ukraine. Mỹ hiện có kế hoạch tăng sản lượng đạn pháo 155 mm hằng tháng lên 100.000 viên vào năm 2025.
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Israel không nên chiếm đóng Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt. Ảnh: Getty. |
Trong động thái liên quan tới cuộc xung đột, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto tuyên bố, nước này sẽ cử một bệnh viện nổi đến bờ biển Dải Gaza và sẽ đặt một cơ sở y tế dã chiến trên đất liền tại vùng đất này.
Ông Guido Crosetto nói: “Hôm nay con tàu Vulcan sẽ rời đi với một bệnh viện mà chúng tôi muốn gửi đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh”.
Con tàu được cho là có sức chứa 170 người và có phòng phẫu thuật, thiết bị chẩn đoán và vật tư y tế. Ngoài ra, Hải quân Italia sẽ cử 30 chuyên gia có kinh nghiệm làm việc trong các tình huống khẩn cấp tới Dải Gaza. 30 quân nhân còn lại sẽ được sẽ tới vùng đất của người Palestine bằng máy bay
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Palestine May Kaile đã kêu gọi triển khai các bệnh viện dã chiến ở Dải Gaza trong bối cảnh số thương vong ngày càng tăng do các cuộc tấn công liên tục của Israel vào vùng đất này. Theo bà May Kaile, tình hình sức khỏe của người dân Palestine ở khu vực này rất bi thảm.
Còn tại quốc gia châu Âu khác là Bỉ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Dân sự và Doanh nghiệp Công Bỉ Petra De Sutter kêu gọi trừng phạt Israel do tình hình xung đột ở Dải Gaza.
Chính trị gia Bỉ này đề xuất hủy bỏ thỏa thuận liên kết Liên minh châu Âu(EU) với Israel, cũng như đưa ra lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm từ các vùng lãnh thổ của Palestine do Israel kiểm soát. Ông De Sutter cũng kêu gọi một cuộc điều tra về vụ đánh bom dân thường của IDF ở Dải Gaza và lệnh cấm nhập cảnh đối với các chính trị gia và quan chức chính phủ Israel bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh.
Trước đó, Phó Đại sứ Palestine tại Bỉ và Luxembourg Hassan al-Bellawi đã kêu gọi châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Israel và không cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông leo thang. Nhà ngoại giao Palestine cho rằng đây là giải pháp duy nhất để vãn hồi hòa bình trong khu vực.