Theo hãng tin Reuter, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Karim Khan đã công bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng như Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Galant.
ICC cho rằng các quan chức Chính phủ Israel có thể phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của Lực lượng Phòng vệ (IDF) khi tiến hành hoạt động quân sự ở Dải Gaza và tội ác chống lại loài người ít nhất từ ngày 8/10/2023.
Ảnh minh họa |
Trong số các tội ác chiến tranh mà các ông Benjamin Netanyahu và Yoav Galant bị cáo buộc là việc sử dụng nạn đói của dân thường như một phương pháp chiến tranh. Theo ICC, hành động này và các hành động bạo lực khác đã được Israel sử dụng như một phương tiện để loại bỏ phong trào Hamas, gây sức ép trao trả con tin và trừng phạt tập thể người dân Dải Gaza, nơi mà Tel Aviv cho là một mối đe dọa. Danh sách các cáo buộc còn bao gồm: Cố ý gây thương tích nghiêm trọng hoặc tổn hại đến sức khỏe; cố ý giết người, tiêu diệt, tấn công dân thường, đàn áp như một tội ác chống lại loài người, cũng như “các hành vi vô nhân đạo khác”.
Tuyên bố của công tố viên ICC cũng chỉ ra rằng các cáo buộc quân sự được liệt kê được thực hiện trong bối cảnh xung đột vũ trang quốc tế giữa Israel và Palestine, cũng như cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Hamas đang diễn ra đồng thời.
Văn phòng công tố ICC tuyên bố có đủ bằng chứng, bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người sống sót và nhân chứng, âm thanh, video và hình ảnh, ảnh vệ tinh, cũng như lời khai của những người bị cáo buộc. Văn bản của ICC nêu rõ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel phải chịu sự phán xét của luật pháp quốc tế.
“Israel, giống như tất cả các quốc gia, có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ người dân của mình. Tuy nhiên, quyền này không miễn trừ Israel hay bất kỳ quốc gia nào khác khỏi nghĩa vụ tôn trọng luật nhân đạo quốc tế”, công tố viên ICC Karim Khan tuyên bố.
Ngoài ra, ICC cũng đang thu thập bằng chứng để ban hành lệnh bắt giữ 3 thủ lĩnh của phong trào Hamas, gồm Yahya Sinwara, thủ lĩnh cánh quân sự của Lữ đoàn Hamas al-Qassam; Diab Ibrahim al-Masri hay được biết đến với cái tên Mohammed Deif và lãnh đạo phe cánh chinh trị của Hamas, Ismail Haniyeh.
Họ bị ICC nghi ngờ về tội giết người, tiêu diệt, bắt con tin và các hành vi bạo lực, tra tấn, ngược đãi và xúc phạm nhân phẩm của tù nhân cũng như các hành vi khác. Tài liệu cho biết họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình.
Hoạt động quân sự của Israel chưa có dấu hiệu sớm dừng lại. Ảnh: Reuters |
Hồi tháng 11/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn kiện lên ICC chống lại Thủ tướng Israel. Trong 23 trang của tài liệu, Ankara đã cáo buộc Thủ tướng Israel tội diệt chủng.
Trước các cáo buộc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, quân đội nước này luôn tuân thủ luật chiến tranh và chấp nhận cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi quyết định này là “sự sụp đổ của hệ thống tư pháp thế giới”.
Liên quan tới vấn đề ICC tuyên bố lệnh bắt các nhà lãnh đạo Israel, hãng tin RIA Novosti của Nga đăng tải, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã tuyên bố ICC có thể truy tố các quan chức Nga, nhưng không nên làm điều tương tự với Israel.
Theo đó, Nga và Israel không phải là thành viên của ICC. Trong trường hợp này, thẩm quyền của ICC là phải tuân thủ theo Quy chế Rome. Ông Matthew Miller nhấn mạnh rằng Ukraine công nhận quyền tài phán của tòa án quốc tế, nhưng Palestine thì không.
“Sự khác biệt cơ bản là Israel cho biết họ sẽ hợp tác trong cuộc điều tra. Nga không làm điều này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington bác bỏ yêu cầu của ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel.