Chuỗi hoạt động chào mừng HUFI thành Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dự lễ công bố và trao quyết định thành lập Trường Đại học Công Thương TP.HCM |
Nhằm xây dựng chiến lược phát triển Nhà trường trong thời gian tới, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức “Hội thảo đóng góp Chiến lược phát triển Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”. TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng ban soạn thảo chủ trì hội thảo.
Hội thảo đóng góp Chiến lược phát triển Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 |
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng ban soạn thảo đã nêu rõ cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển Trường trong thời gian tới dựa trên 5 trụ cột: Đào tạo, nghiên cứu - ứng dụng, quản trị - vận hành hệ thống và kết nối cộng đồng.
Cùng với đó là 4 giá trị cốt lõi người học Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh được định hướng trở thành những công dân toàn cầu, hành động vì sự phát triển bền vững, từ đào tạo, nghiên cứu hay tư vấn đều hướng đến những tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội… cùng hành động vì tương lai phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng ban soạn thảo phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo |
Song song với đó, ba nội dung tiếp cận: Tham gia thúc đẩy và giải pháp các vấn đề ở cấp độ khu vực và toàn cầu; nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực đến kinh tế, môi trường, xã hội và sức khỏe trong tất cả các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, quản trị hệ thống và tiếp cận cộng đồng, gắn kết, quan hệ đối tác cũng như quản lý theo những cách giúp xã hội chuyển đổi sang lối sống bền vững (lối sống xanh).
PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng: Xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển Trường là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự tồn tại, phát triển vững mạnh của Nhà trường trong 5 năm, 10 năm tới. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Trường đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận góp ý để Chiến lược phát triển Trường tập hợp được một cách cao nhất trí tuệ tập thể của Nhà trường.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng ban soạn thảo báo cáo tóm tắt Dự thảo Chiến lược phát triển Trường, tại hội thảo |
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng ban soạn thảo Chiến lược tại hội thảo cũng đã báo cáo tóm tắt Dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung cơ bản của Chiến lược và các chỉ tiêu của tám nhóm chiến lược về tổ chức và quản trị, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển tài chính, tuyển sinh và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hợp tác và hội nhập quốc tế, kiểm định và xếp hạng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến định hướng “Nghiên cứu - ứng dụng”, cách tiếp cận “công dân toàn cầu”; mục tiêu và các chỉ số của các nhóm chiến lược. Đặc biệt là các chỉ số liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được điều chỉnh để thể hiện rõ định hướng phát triển của Trường; những đặc trưng của Nhà trường so với các trường đại học khác; các cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng sự phát triển (về đội ngũ, cơ sở vật chất…).
Ông Trần Xuân Điền - Phó trưởng ban dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Trường phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo |
Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển của Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Xuân Điền - Phó trưởng ban dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Trường cho rằng cần gắn liền với sự phát triển của quốc gia, dân tộc và phù hợp với xu hướng hội nhập. Cũng như một số dự báo về tình hình thế giới và xu hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự Hội thảo |
Sau hội thảo này, tất cả các ý kiến đóng góp được Ban soạn thảo xem xét và điều chỉnh để Dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 hoàn thiện hơn để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn bộ viên chức, người lao động của Nhà trường.