Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ hệ lụy tới kinh tế - xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Những yếu kém có nguyên nhân khách quan nhưng chính là do chủ quan, từ nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, đến qúa trình thực hiện.
Từ đó, Chỉ thị định hướng 6 nhiệm vụ lớn (1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vái trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên. (2) Hoàn thiện khung khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.(3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan (4) Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; (5) Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và các tổ chức xã hội có liên quan (6) Chủ động hội nhập, tranh thủ sự trợ giúp trong khu vực và quốc tế.
Trong những năm qua, nền tảng để thực hiện đã hình thành, Chỉ thị này sẽ gia cố, phát huy trên tầm mức mới.
Một là, về pháp lý, năm 1999 có Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tới 2010, thành Luật Bảo vệ Người tiêu dùng do Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ được thúc đẩy trên tầm mức mới.
Hai là, Chính phủ đã thành lập trong hệ thống tổ chức của Bộ Công Thương “Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng” - cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ cũng mới thành lập “Tổng cục Quản lý thị trường” nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường trước đây cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây chính việc tăng cường bộ máy chuyên trách, khắc phục “khoảng trống” trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Ba là, Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác này đã có điểm nhấn bằng việc thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở tách ra từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vào cuối năm 2018. Hội bao gồm 61 hội địa phương và tổ chức là thành viên trải hầu khắp các tỉnh/ thành. Hội chủ động tổ chức tiến hành đồng thời vận động công chúng, doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Việc bảo vệ người tiêu dùng là việc không mới, song trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độ mở ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài, không nôn nóng chủ quan cũng không khoanh tay buông xuôi. Trong hành động phải kết hợp: Tuyên truyền, giáo dục – chế tài pháp luật - kinh nghiệm quốc tế.
Có thể nói, Chỉ thị ra đời kịp thời, đáp ứng mong mỏi của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng người tiêu dùng. Với Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Chỉ thị là món quà mừng tuổi đầu xuân và là cẩm nang cho hoạt động của Hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng.