Nhiều nỗ lực cải cách thuế
Giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Thuế đã coi cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, đánh giá sơ kết, tổng kết triển khai Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Quản lý thuế… và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập.
Đến nay, hệ thống pháp luật thuế đã được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, tương thích với các thông lệ quốc tế, mở rộng đối tượng chịu thuế, bao quát các nguồn thu, đổi mới cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Điểm nhấn cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, là Tổng cục Thuế đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý thuế 2019 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế toàn diện, thống nhất, thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã chủ động đề xuất các phương án thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành 01 mã số doanh nghiệp duy nhất, thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Đơn giản hóa các mẫu biểu, tờ khai của tất cả các sắc thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, loại bỏ những nội dung không cần thiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khai và nộp thuế qua mạng internet; đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết và thực hiện điện tử hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa, công khai các TTHC dưới nhiều hình thức, thực hiện cơ chế một cửa đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, và có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan thuế... Cơ quan thuế đã cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành kết nối xác thực triển khai tích hợp dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho doanh nghiệp và chia sẻ dữ liệu để tích hợp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân và nộp lệ phí trước bạ điện tử ô tô, xe máy lên cổng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, ngành thuế cũng đã quyết liệt tổ chức lại bộ máy từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Những nỗ lực cải cách thuế đã được Chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2018, Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ (APCI 2018) ghi nhận nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất trong 8 nhóm TTHC cải cách. Báo cáo Đánh giá cải cách TTHC thuế năm 2019 của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 7,5/10 của kỳ trước lên 7,8/10 (tăng 3%);
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh - Doing Business 2020, do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tiếp tục tăng 22 bậc từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế).
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách
Để cách hành chính thuế đạt chất lượng cao, hiệu quả hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí cho người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật, Tổng cục Thuế cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Quản lý thuế; rà soát các văn bản pháp luật thuế để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nếu có vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, chấp hành pháp luật; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật thuế.
Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực thuế, tập trung vào nghiên cứu tiếp tục giảm thời gian nộp thuế, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Kịp thời tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách thuế. Giải quyết TTHC nhanh chóng, hiệu quả; nâng cao hiệu quả vận hành bộ phận một và vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực thuế...