Khủng hoảng năng lượng toàn cầu thúc đẩy sự hồi sinh của điện hạt nhân ở châu Á |
Trong bối cảnh sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng khí đốt Nga vì chiến sự Nga - Ukraine, năng lượng hạt nhân Pháp và thủy điện Na Uy đang làm chao đảo các thị trường năng lượng của châu Âu, giá cả đã tăng vọt tới mức đáng báo động. Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn đã tăng 30% vào tuần trước.
Mùa hè năm ngoái, các hợp đồng mua điện trước năm của Pháp và Đức được giao dịch ở mức 100 Euro (118 USD) mỗi megawatt giờ. Gần đây, giá của chúng đã leo thang lên 1.000 Euro. Giá đã giảm kể từ đó, nhưng nhiên liệu vẫn giao dịch ở mức tương đương khoảng 400 USD cho một thùng dầu. Chủ của tập đoàn Shell cảnh báo khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài qua mùa đông.
Nỗi đau sẽ trở nên trầm trọng và lan rộng khi các hợp đồng năng lượng hiện tại của các hộ gia đình và doanh nghiệp hết hạn, buộc họ phải ký kết các hợp đồng mới. Điều đó sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất để chống lạm phát. Nhiều nhà kinh tế dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái trong vài tháng tới và đồng Euro sẽ sụt giảm giá trị đến mức thấp nhất so với đồng USD trong hai thập kỷ. Viễn cảnh về tình trạng bất ổn và tranh cãi giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiển hiện trước mắt.
Theo tạp chí The Economist, cho đến nay, phản ứng của Ủy ban châu Âu (EC) bị đánh giá là "vẫn chưa đủ tham vọng". Ý tưởng mới nhất của cơ quan này là giới hạn giá khí đốt, nguồn nhiên liệu được sử dụng để sản xuất điện. Đề xuất sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng liên minh vào ngày 9/9. EC cũng có thể tìm cách điều chỉnh thị trường điện, để giá giao ngay không còn do chi phí của nhà sản xuất cận biên, vốn thường dựa vào khí đốt, thiết lập.
Giới hạn giá nghe có vẻ khả thi nhưng có thể phản tác dụng. Đó là vì trần giá sẽ không thể hạn chế nhu cầu đối với năng lượng khan hiếm. Theo một nghiên cứu, giới hạn được thiết lập ở Tây Ban Nha thực tế còn dẫn đến việc tăng 42% sản xuất điện bằng khí đốt kể từ tháng 6. Một chính sách rộng khắp EU được tin sẽ chỉ làm tăng nhu cầu về khí đốt hơn nữa, dẫn đến tăng nguy cơ phải phân bổ tiêu dùng trong mùa đông.
Các chuyên gia của The Economist đề xuất, thay vì mày mò, các chính phủ EU nên tập trung vào 2 nhiệm vụ lớn hơn. Đầu tiên là cho phép cơ chế thị trường kiềm chế nhu cầu, đồng thời hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Các chính phủ sẽ cần triển khai những khoản hỗ trợ lớn, nhưng việc trợ giúp mục tiêu này có thể tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính sách cung cấp những khoản giảm giá và hỗ trợ tiền mặt cho 40% người nghèo nhất sẽ tiêu tốn ít hơn so với chính sách hỗn hợp hiện nay, vốn chủ yếu bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu hoặc giới hạn giá bán lẻ.
Ưu tiên thứ 2 là tăng nguồn cung. EU có thể khai thác các nguồn cung khí đốt tự nhiên khác. Đây là lí do tại sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Algeria gần đây. Trong phạm vi châu Âu, các quốc gia có thể giúp giảm bớt những điểm tắc nghẽn, chẳng hạn như các kết nối khí đốt xuyên biên giới ít ỏi.
Ngày nay, đầu tư không đủ và sự khác biệt về tiêu chuẩn đã cản trở dòng chảy nhiên liệu từ Tây Ban Nha và Pháp sang Đức và Đông Âu. EU cần đảm bảo rằng, trong trường hợp phải phân bổ nguồn cung, sẽ có một thỏa thuận trên toàn châu lục về đối tượng tiêu dùng bị cắt giảm đầu tiên. Nếu điều này không được thực hiện, sẽ xuất hiện mối đe dọa từ việc các quốc gia sẽ tranh giành tích trữ nguồn cung.
Tất cả đều sẽ tốn kém tiền bạc. Đến nay, trong số những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha đã chi 2 - 4% GDP của đất nước cho các khoản hỗ trợ tài chính để giảm bớt cú sốc năng lượng.
May mắn là EU có ngân sách để giúp đỡ. Liên minh đang trích sử dụng quỹ phục hồi sau đại dịch, trị giá 807 tỷ Euro dưới hình thức cho vay và tài trợ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa đến 15% tổng số vốn được giải ngân. Việc thanh toán cho các dự án năng lượng có thể được đẩy nhanh và EC có thể cung cấp những khoản vay giá rẻ để giúp tài trợ cho hoạt động hỗ trợ tài chính có mục tiêu.
EU đã chung tay giải quyết những hậu quả kinh tế của các đợt phong tỏa phòng chống đại dịch. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đòi hỏi liên minh cùng nhau có một phản ứng táo bạo tương tự.