Nhiều thành viên NATO thúc đẩy chi tiêu quốc phòng cao hơn Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trước những thách thức lớn Chiến sự Nga - Ukraine khiến Thụy Điển ‘chi đậm’ cho quốc phòng |
Các nhà lãnh đạo châu Âu tham gia một cuộc họp khẩn tại Paris ngày 17/2, kêu gọi tăng chi tiêu để nâng cao năng lực quốc phòng của châu lục này, nhưng vẫn còn chia rẽ về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine nhằm hỗ trợ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng, việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine mà không có thỏa thuận hòa bình cùng lúc sẽ là nguy hiểm, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine “tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ,” theo một quan chức châu Âu.
“Chúng tôi đồng ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh”,” quan chức này nói.
![]() |
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Albanian Times |
Cuộc họp tại Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp xếp các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga, loại các đồng minh châu Âu và Ukraine khỏi quá trình đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, dự kiến bắt đầu tại Ả rập Xê út vào 18/2.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các cuộc họp, theo các quan chức từ cả hai nước hôm 17/2. Một quan chức Nhà Trắng mô tả đây là “cuộc gọi thân thiện”, trong đó họ đã thảo luận về cuộc họp tại Paris và các cuộc đàm phán ở Ả Rập Xê Út.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng cho biết ông đã có một cuộc gọi “dài” với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về các đảm bảo an ninh.
“Chúng tôi chia sẻ một tầm nhìn chung: các đảm bảo an ninh phải mạnh mẽ và đáng tin cậy,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết trên X.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu sửng sốt khi tuyên bố rằng ông đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh mà không tham vấn họ, buộc họ phải đối mặt với thực tế về một tương lai với ít sự bảo vệ hơn từ Mỹ.
Quyết định của Mỹ đã làm dấy lên nhận thức trong các quốc gia châu Âu rằng họ sẽ phải nỗ lực hơn để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, người trước cuộc họp đã bày tỏ sẵn sàng cử quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine, cho biết hôm 17/2 rằng cần có cam kết an ninh từ Mỹ thì các nước châu Âu mới có thể triển khai binh sĩ. Ông nói rằng còn quá sớm để xác định số lượng binh sĩ Anh mà ông sẵn sàng điều động.
Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine không chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột với Nga mà còn tạo thêm áp lực lên quân đội châu Âu, vốn đã suy giảm đáng kể do cung cấp vũ khí cho Ukraine và trải qua nhiều thập kỷ hòa bình.
Ngoài ra, còn có những câu hỏi nan giải về cách một số quốc gia châu Âu, vốn đang chịu áp lực tài chính nặng nề, sẽ chi trả cho những cam kết quân sự mở rộng này như thế nào.
Ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine, cho biết ông sẽ đến thăm Ukraine từ 19/2 và được hỏi liệu Mỹ có cung cấp đảm bảo an ninh cho bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu nào hay không.
“Tôi đã làm việc với Tổng thống Donald Trump, và chính sách luôn là: Không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào,” ông nói.
Chi tiêu quốc phòng
Đề xuất của Thủ tướng Anh Keir Starmer về lực lượng gìn giữ hòa bình dường như đã tạo ra ranh giới chia rẽ giữa những người tham gia cuộc họp ở Paris, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cùng các Thủ tướng Giorgia Meloni (Ý), Donald Tusk (Ba Lan) và Pedro Sanchez (Tây Ban Nha).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định rằng, không thể có thỏa thuận hòa bình nếu không có sự đồng ý của Ukraine, đồng thời cho rằng việc thảo luận về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Đức tại Ukraine là “cực kỳ không phù hợp” khi chưa có một thỏa thuận hòa bình cụ thể.
Tuy nhiên, cả ông Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đều nhấn mạnh, các quy tắc tài khóa nghiêm ngặt của EU nên được nới lỏng để cho phép chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng mà không vi phạm các quy định về thâm hụt ngân sách của EU.
Theo các nguồn tin từ văn phòng của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, bà cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch gìn giữ hòa bình.
“Hôm nay, chúng tôi đã có cuộc thảo luận hữu ích về các giả thuyết khác nhau đang được đưa ra. Kế hoạch triển khai binh sĩ châu Âu tại Ukraine dường như là phương án phức tạp nhất và có lẽ kém hiệu quả nhất, và về điều này, tôi cũng đã bày tỏ sự hoài nghi của Ý,” bà nói.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, bà sẵn sàng thảo luận về việc triển khai quân đội gìn giữ hòa bình tại Ukraine trong khi đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng trong nước.
Mỹ và Nga gặp mặt ở Ả rập Xê út
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga sẽ gặp nhau tại Ả Rập Xê Út ngày 18/2. Đây sẽ là cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước trong nhiều năm, và dự kiến sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 17/2 tại Riyadh, cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff, những người cũng là thành viên trong phái đoàn đàm phán của Mỹ.
Phía Nga sẽ có sự tham gia của Ngoại trưởng Sergei Lavrov và cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov, theo thông báo từ Điện Kremlin.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bên.
Người phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, ông Tammy Bruce, cho biết cuộc thảo luận sẽ nhằm xác định liệu cuộc đàm phán hòa bình có khả thi hay không.
Trong khi đó, Điện Kremlin nhấn mạnh rằng cuộc họp sẽ tập trung vào việc “khôi phục toàn bộ mối quan hệ Nga-Mỹ,” đồng thời khẳng định Nga sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ.
Ngay khi đến Riyadh, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán về Ukraine sẽ chỉ là song phương giữa Nga và Mỹ.
“Chúng tôi đến để đàm phán với các đồng nghiệp Mỹ,” một hãng truyền thông dẫn lời ông Yuri Ushakov.
Giám đốc Quỹ Tài sản Quốc gia Nga, ông Kirill Dmitriev, dự kiến sẽ gặp một phái đoàn Mỹ tại Ả Rập Xê Út ngày 18/2 để tập trung vào việc tăng cường quan hệ và hợp tác kinh tế, theo một nguồn tin tại Riyadh.
Một hãng truyền thông Mỹ dẫn lời ông Kirill Dmitriev cho biết, ông đã gặp một số thành viên trong nhóm của Tổng thống Donald Trump tại Riyadh và rằng họ, cùng với Tổng thống Donald Trump, là “những người giải quyết vấn đề tuyệt vời.”
“Tôi nghĩ lời hứa ở đây là: Hãy đối thoại, hãy tìm ra giải pháp tốt nhất cho đất nước chúng ta, cho các quốc gia khác và cho cộng đồng toàn cầu”, ông ông Kirill Dmitriev nói.
Theo một hãng truyền thông Mỹ, ông Kirill Dmitriev phủ nhận việc Nga chủ yếu tìm cách giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh rằng hợp tác cùng nhau sẽ có lợi cho cả 2 nền kinh tế của Mỹ và Nga.
“Tôi nghĩ, việc xây dựng cầu nối là rất quan trọng. Quan hệ Mỹ - Nga có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới,” ông nói.
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga sẽ gặp nhau tại Ả Rập Xê Út ngày 18/2. Đây là cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước trong nhiều năm, dự kiến sẽ "mở đường" cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. |