Xe giường nằm đụng gầm cầu Long Biên Tản mạn về cầu Long Biên |
Ngay sau khi, cầu Long Biên xảy ra vụ thủng mặt cầu (sập tấm đan mặt đường bộ) vào ngày 28/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã cùng Vụ Kết cấu hạ tầng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp kiểm tra hiện trường cầu.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự đường bộ qua cầu rất phức tạp. Phổ biến là tình trạng họp chợ, buôn bán trên cầu; người dân tập trung dừng chụp ảnh dừng xe máy sát lan can cầu, gây áp lực cho kết cấu mặt cầu.
Theo ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cầu Long Biên đã có 121 năm sử dụng. Dù hàng năm vẫn thường xuyên được duy tu, bảo trì nhưng tới nay đã quá xuống cấp. Cầu Long Biên giờ như tấm áo cũ sờn, vá chỗ này lại thủng chỗ kia.
Không chỉ ảnh hưởng tới giao thông đường bộ, cầu Long Biên còn liên quan tới cả vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Các trụ cầu hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ rất cao.
Cầu Long Biên giờ như tấm áo cũ sờn, vá chỗ này lại thủng chỗ kia |
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho hay, công ty đã kiểm tra sơ bộ, đánh dấu các vị trí nguy cơ, xung yếu. Trong khi chờ giải pháp kỹ thuật, vốn cho sửa chữa các vị trí xung yếu, Công ty CP Đường sắt Hà Hải sẽ mua vật tư dự phòng như tấm bản thép để kê cập kênh giữa các tấm đan trên mặt đường, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân lưu thông.
Hiện, Tổng công ty Đường sắt đang thực hiện kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài. Trong đó, lập dự án sửa chữa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ kiểm định để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn vốn sửa chữa cầu.
Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, đưa vào khai thác. Đến nay, cầu không còn nguyên vẹn kết cấu như ban đầu. Hiện tại, cầu có 13 nhịp dầm Pháp, còn lại là các nhịp dầm khác. Thiết kế cầu Long Biên ban đầu không có phần lối đi dành cho người đi bộ.