Với 2.360 con sông dài trên 10 km, trong đó có 109 sông chính, 93% là các con sông ngắn và nhỏ, sông nước hiện diện hầu như ở khắp mọi nơi trên đất nước hình chữ S. Dọc dài bờ biển, có 112 cửa sông, lạch đổ ra đại dương…Vì thế nên "con sông quê" trở thành biểu tượng thân thuộc và gần gũi với mọi người. Có một bài hát nhiều người biết: "Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ".
Sông nước tạo nhiều cảnh quan nên thơ. Nhưng sông, suối không có cầu cũng gây ra bao khó khăn, trở ngại. Chắc hẳn không ít người không nhớ tới chiếc cầu phao chông chênh, dập dềnh nối đôi bờ sông, những chiếc cầu khỉ vắt vẻo, nét văn hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, hay những chuyến phà chật cứng trong những ngày nước lũ dâng cao, cầu phao bị cắt. Đò ngang, đò dọc trở thành phương tiện lưu thông phổ biến của người dân nhiều vùng miền. Tiếng gọi "đò ơi" vang vọng giữa bốn bề sông nước, khi bóng đêm trùng xuống nghe cô đơn đến tội nghiệp: "Gọi đò, sao không có ai đưa đò. Để con đò buồn hiu quạnh bến quê, chẳng còn ai nhớ mong mình về…". Vì thế, mơ ước có cây cầu là ước mơ cháy bỏng của bà con mọi vùng miền cả nước.
Tỉnh nào, thành phố nào cũng có cầu gắn liền với địa danh. Ví dụ: Huế có câu ca dao về cầu Trường Tiền, nghe nói, đại đa số các bà mẹ Huế đều sử dụng khi hát ru:"Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp. Em qua không kịp tội lắm anh ơi"...
Thái Bình có câu thơ "nổi tiếng":"Thái Bình có cái cầu Bo/Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi"… Còn Hà Nội trước đây khi chưa có cầu Thăng Long, Chương Dương, Nhật Tân,… thì cầu Long Biên là nổi tiếng nhất, như câu ca dẫn ở trên.
Mới đây, đầu tháng 11/2021, trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trùng tu các di sản văn hóa như cầu Long Biên hay các công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp tại Việt Nam. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và huyện Gia Lâm xưa, nay quận Long Biên của Hà Nội. Cầu dài 2.290m bắc qua sông và 896 m cầu dẫn hai bờ, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Vào thời điểm ra đời, cầu Long Biên là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (xếp sau cầu Brooklyn bắc qua sông East- River của Mỹ). Thậm chí, cầu Long Biên còn được người ta gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội. Giá trúng thầu xây dựng thời điểm đó là 5,39 triệu Franc (tổng mức chi phí thực tế là 6,2 triệu Franc). Cầu khởi công từ năm 1898 đến 1902 thì hoàn thành (chính xác là hoàn thành sau 3 năm 9 tháng). Số người tham gia thi công cầu khoảng 3.000 công nhân người Việt, 40 người Pháp là quản lý, chuyên gia. Về vật tư, cầu "ngốn" tới 5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì. Tốc độ thi công thật là kỷ lục vào thời điểm đó. Sau này cầu Thăng Long thi công tới 11 năm…
Được biết, đơn vị xây dựng cầu của Pháp đã có công văn gửi Chính phủ Việt Nam thông báo cầu Long Biên đã hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cầu mới nên hiện nay vẫn khai thác cầu Long Biên phục vụ việc chạy tàu và đi lại của người dân. Giai đoạn 1995 - 2010 cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa ở mức độ nhỏ.
Năm 2015, cầu được đại tu, hết 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Mới đây, tháng 10/2021, TP. Hà Nội quyết định sơn lại toàn bộ cây cầu 120 năm tuổi. Nếu sơn cả cây cầu thì phải trên 70.000m2 (ước lượng cần khoảng cả trăm tấn sơn các loại).
Năm 2017, mặt đường cũ trên cầu được cào bóc để tiến hành thử nghiệm trải thảm Carboncor asphalt - vật liệu bê tông nhựa nguội chế tạo theo công nghệ mới mặt đường bộ.
Ảnh: Nguyễn Kinh Quốc |
Năm 2014, việc gắn kết giữa bảo tồn và phát triển cầu Long Biên đã được nêu ra và tranh luận, phản biện, các phương án chính như: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn; xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu; xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là: 7.982 tỷ, 9.094 tỷ và 9.389 tỷ đồng (giá thời điểm năm 2014).
Những đề xuất khác nhằm bảo tồn và phát triển cầu Long Biên: Tổ chức vườn treo trên đường dẫn lên cầu, tổ chức không gian hàng trong các không gian vòm dưới đường dẫn, tổ chức các gian hàng trưng bày, các shop đồ hàng lưu niệm và hàng thủ công mỹ nghệ ở không gian giữa… biến cầu Long Biên thành con đường nghệ thuật…
Trong khi đó, năm 2014, Chính phủ Pháp cam kết tài trợ 1,5 triệu Franc xây dựng dự án bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên để Việt Nam lên phương án bảo tồn tại vị trí hiện tại và đồng ý xây cầu mới cách cầu cũ 85m về phía thượng lưu. Tháng 4/2021, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery cho rằng, cầu Long Biên là công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội, Pháp mong muốn được tham gia tích cực vào dự án cải tạo cây cầu này.
Theo các nhà khoa học, tùy điều kiện khí hậu, thời tiết..., tốc độ kim loại hiện tại của cầu Long Biên có thể bị ăn mòn tới 10 - 30% khối lượng. Hy vọng, giới chức chuyên môn sẽ có một phương án tối ưu, hài hòa giữa sửa chữa, trùng tu và sử dụng cây cầu lịch sử của Hà Nội nói riêng và quốc gia nói chung!