Chính phủ phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình giá thịt lợn Đảm bảo cung cầu và bình ổn giá thịt lợn: Bộ Công Thương trách nhiệm đến cùng! |
Vấn đề đang bàn ở đây là, cho dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì việc chủ động nắm cung cầu từ sớm với mặt hàng thực phẩm quan trọng như thịt lợn vẫn chưa mất tính thời sự.
Các số liệu thống kê cho thấy, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho khoảng từ 8% - 10% tổng đàn lợn cả nước. Con số này cho thấy về mặt lý thuyết, số lợn còn lại hoàn toàn có thể bảo đảm để không xảy ra chuyện sốt giá, hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, thiệt hại chủ yếu lại đến từ các cơ sở chăn nuôi lẻ nằm trong các hộ dân. Đây lại là nguồn cung cấp chủ yếu thịt lợn cho các bếp ăn gia đình. Trong khi đó người Việt hầu như vẫn duy trì thói quen tiêu thụ thịt lợn "nóng" được giết mổ ngay trong ngày mà không có thói quen tiêu thụ thịt lợn “mát” (tức là thịt được trữ đông). Trong khi đó, số thịt lợn này lại chủ yếu dành cho nhu cầu sản xuất, chế biến. Cho nên điều dễ hiểu là khi các cơ sở chăn nuôi lợn tại các hộ dân "có biến" là mặt hàng thịt lợn trên thị trường ngay lập tức chao đảo về giá.
Đây mới là bề nổi của vấn đề. Theo các chuyên gia, nhìn sâu hơn có nhiều lý do lý giải cho việc thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn. Thứ nhất là hoạt động kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương - tuy có mặt tích cực giảm thiểu được việc lây lan dịch bệnh, nhưng hệ quả là gây mất cân đối cung cầu tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường không những chỉ ở một vài địa phương mà lan sang cả nhiều địa phương khác.
Thứ hai là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên phạm vi 63 tỉnh, thành, nguồn cung giống cũng giảm rất mạnh nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, nhất là đối với việc thực hiện tái đàn nhằm bù đắp số lợn đã bị tiêu hủy. Thêm vào đó, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... đã đẩy chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn lên rất cao bất ngờ khiến người chăn nuôi không kham nổi.
Thứ ba là năm nào cũng vậy, càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn. Điều này càng được phát tác mạnh hơn trong năm 2019 khi các nguồn cung bị chao đảo.
Trong ba lý do trên hai lý do đầu mang đậm tính đặc thù của thị trường mặt hàng thịt lợn năm 2019; còn lý do thứ ba, theo các chuyên gia, là đặc thù chung của thị trường và nó chỉ đóng vai trò cộng hưởng.
Có thể nói khác với nhiều mặt hàng nông sản khác trong năm 2019 rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, mặt hàng thịt lợn năm nay ngược hẳn với năm 2017 khi rơi vào trạng thái “mất mùa được giá” như đã thấy những tuần gần đây. Nhưng chính việc “được giá” này lại tỏ ra hết sức bất thường trong chuỗi sản xuất với việc lợi nhuận không rơi vào người chăn nuôi mà lại rơi vào thương lái và thương nhân ở chợ, khiến các nhà quản lý đau đầu trong việc cân đối, dự liệu nguồn cung và lớn hơn là sự ổn định của các tiêu chí kinh tế vĩ mô.
Trên thực tế, do đặc thù quản lý ở Việt Nam, việc bình ổn thị trường cũng như bảo đảm nguồn cung không thể chỉ dựa vào nỗ lực riêng của Bộ Công Thương. Chính do điều này mà Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết Nguyên đán (tháng 1 và tháng 2 năm 2020). Chưa có số liệu cụ thể cho biết chính xác thiếu hụt nguồn cung là bao nhiêu nhưng biên độ dao động rất lớn (khoảng từ 200.000 đến 600.000 tấn).
Trong bối cảnh đó, ngày 17/12/2019, tại Văn bản số 11451/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm. Văn bản 11451 nhấn mạnh, từ nay, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô”.
Những lý do trên đây đưa tới cái nhìn về định liệu cung cầu thị trường, không chỉ có ích với mặt hàng thịt lợn mà còn với nhiều mặt hàng nông sản khác.
Trước hết, đó là việc sản xuất cần phải chuyển sang quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn để khi "có biến” vẫn kịp trở tay hoặc chí ít mức độ thiệt hại không mang tính phổ biến. Công tác phối hợp thường xuyên liên tục giữa các bộ hữu quan cần phải được đề cao vì lợi ích chung của người tiêu dùng, người sản xuất và tâm lý bình ổn chung của thị trường. Mức độ phản ứng chính sách trước những biến cố thị trường thời gian qua tuy đã nhanh nhưng vẫn chưa "đều tay” giữa các bộ, ngành và đây là điều cần phải được làm tốt hơn trong thời gian tới, tránh việc Chính phủ phải đích thân “điểm mặt chỉ tên, cầm tay chỉ việc”.
Cũng có một yếu tố nữa lâu nay ít được quan tâm đó là truyền thông thị trường. Thay vì tập trung thông tin có trọng tâm, trọng điểm về thị trường lại có xu hướng đưa giá cục bộ tại một số địa phương, có thời gian thành tiêu điểm cho cả thị trường, không tham vấn các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về xu hướng diễn tiến của giá, có thể tạo hiệu ứng “té nước theo mưa” trên thị trường. Kết quả là tạo ra khủng hoảng truyền thông, kéo theo nhiều hệ lụy mà một trong số đó là mất cân đối cung cầu một cách giả tạo.