Thứ hai 21/04/2025 10:41

Cắt ghép video VTV, “thần thánh hoá” thực phẩm Hoa Nhất

Nhiều trang mạng xã hội đã cắt ghép video VTV, “thần thánh hoá” công dụng thực phẩm bổ sung Hoa Nhất như thần dược trị gout, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chiến Thắng và nhiều người nổi tiếng xuất hiện trong video quảng cáo

Thời gian vừa qua, nhiều KOC, KOL, người nổi tiếng bị dư luận lên án vì tham gia quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm có dấu hiệu sai sự thật. Trong đó, có những KOC, KOL, người nổi tiếng như Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, Quang Linh Vlogs, Chu Thanh Huyền, Hằng Du Mục… đã phải trả giá rất đắt vì sai lầm của mình.

Tuy nhiên, trước lợi ích quá lớn từ hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mang lại, nhiều KOC, KOL, nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn quảng cáo bất chấp, đưa ra nhiều thông tin sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng, phản bội lại niềm tin người yêu mến dành tặng cho mình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đơn cử thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiệu nhiều bài viết, video có hình ảnh các nghệ sĩ, người nổi tiếng như Chí Trung, Quyền Linh, Quang Thắng, Chiến Thắng... hết lời ca ngợi về cái gọi là “Sữa đặc trị gout Hoa Nhất”.

Trên fanpage quảng cáo sữa hạt trị gout Hoa Nhất còn cắt ghép video, logo của VTV để lừa dối người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình

Thậm chí, nhiều fanpage gắn với cái tên “Sữa đặc trị gout Hoa Nhất” còn cắt ghép các video của Đài truyền Hình Việt Nam (VTV), sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo lừa dối người tiêu dùng.

Trong một video trên trang Facebook có tên “Sữa hạt trị gout Hoa Nhất - Đặc trị gout số 1 Việt Nam”, danh hài Chiến Thắng giới thiệu sản phẩm và khẳng định bản thân đã khỏi bệnh gout nhờ sử dụng thực phẩm bổ sung Hoa Nhất.

Nghệ sĩ Chiến Thắng quảng cáo tích cực cho sản phẩm sữa hạt trị gout Hoa Nhất. Ảnh chụp màn hình

"Một ly vào buổi tối, khỏi hẳn gout! Một ly vào buổi tối, xẹp tophi! Một ly vào buổi tối, đào thải axit uric! Một ly vào buổi tối, hết rối loạn chuyển hóa! Một ly vào buổi tối, dứt điểm hoàn toàn gout, vĩnh viễn không tái lại!", Danh hài Chiến Thắng cầm trên tay sản phẩm thực phẩm Hoa Nhất và giới thiệu như một loại tiên dược đặc trị gout.

Trong khi đó, cái gọi là “Sữa đặc trị gout Hoa Nhất” có tên gọi trên công bố sản phẩm chỉ là “Thực phẩm bổ sung Hoa Nhất”, doanh nghiệp công bố sản phẩm là Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế OTIS Việt Nam.

Thực phẩm bổ sung này có các thành phần gồm: Đậu xanh, Đậu đen, Yến mạch, Gạo lứt, Ngô ngọt, Hạt dẻ cười, Hạt óc chó, Hạt điều, Hạt sen, Hạt gai dầu, Hạt phỉ, Hạt chia, Hạt hướng dương…

Như vậy có thể thấy, việc quảng cáo/gọi “Thực phẩm bổ sung Hoa Nhất” thành “Sữa đặc trị gout Hoa Nhất” như dẫn chứng nêu trên là không đúng sự thật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là một trong những dấu hiệu quảng cáo thổi phồng công dụng được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo ngày 7/3/2025.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định: Thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể, tăng cường sức khỏe hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất sản phẩm và không nên tin vào những quảng cáo thổi phồng công dụng”.

Chật vật tìm trụ sở và nhà máy sản xuất

Theo công bố, Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam có trụ sở theo đăng ký tại tầng 4, số 7A, đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, TP. Hà Nội; địa điểm kinh doanh nhà máy ở Đông Anh - Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam, số 28 đường Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Ngày 11/3/2025, có mặt tại tầng 4, số 7A, đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, phóng viên chưa thể tìm thấy bảng hiệu và trụ sở công ty. Người dân sinh sống tại khu vực này khi được hỏi, cũng không hề biết đến sự tồn tại của Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam.

Người dân trong toà nhà 7A không hề biết sự tồn tại của Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam.

Tại địa điểm kinh doanh nhà máy ở Đông Anh - Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam, sau khoảng một tiếng tìm kiếm cùng sự hỗ trợ của người dân, chúng tôi đã tìm thấy địa chỉ này.

Theo quan sát, nhà máy Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam đúng nghĩa là một xưởng sản xuất nhỏ, được quây tôn kín mít, nằm sâu trong con ngõ rộng khoảng 3 mét, mặt tiền của xưởng sản xuất rộng chỉ khoảng 4 mét.

Mặt trước địa chỉ sản xuất Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Otis Việt Nam.
Mặt sau của "nhà máy" vẫn được quây tôn xanh kín mít.

Thời điểm chúng tôi có mặt, cơ sở này đang đóng cửa, bên trong không có dấu hiệu hoạt động. “Nhà xưởng này đã ngừng hoạt động từ lâu và đang được rao cho thuê”, một người dân cho biết.

Khám bệnh qua điện thoại, chẩn đoán qua lời nói

Trong vai khách hàng có người nhà bị đau xương khớp cần tìm hiểu sản phẩm, sáng 17/3/2025, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ vào số hotline 0914.940.xxx công khai trên web và các Fanpgae.

Đầu máy là một giọng nam: “Trụ sở công ty ở Hà Nội, anh quan tâm sản phẩm chờ mấy phút, chuyên viên bên em sẽ liên hệ lại tư vấn”. Kết thúc cuộc gọi, khoảng 5 phút sau, một số điện thoại khác 0889569xxx, gọi lại cho phóng viên để tư vấn sản phẩm. Lần này là một giọng nữ, giới thiệu tên Hương.

Xuyên suốt cuộc trao đổi dài hơn 7 phút với phóng viên, dù chưa từng gặp mặt người bệnh, chỉ cần nghe phóng viên nói có người nhà bị đau chân, khớp thường xuyên có khục, người phụ nữ này đã “thao thao bất tuyệt” khẳng định, người bệnh bị gout giai đoạn 2.

“Đây chỉ đang giai đoạn 2 thôi. Đây là giai đoạn viêm gút cấp và bệnh này là một dạng viêm khớp thôi. Với giai đoạn này anh có thể yên tâm cho người nhà sử dụng, một liệu trình 2 tháng 3 hộp sữa Hoa Nhất là khỏi dứt điểm”, người phụ nữ này khẳng định.

Tiếp đó, người này giới thiệu về chương trình khuyến mãi, mua 2 hộp với giá 3,5 triệu đồng sẽ được tặng thêm 1 hộp, đủ liệu trình 2 tháng. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc trụ sở công ty và địa chỉ sản xuất ở đâu, người này chỉ nói ở Hà Nội, nhưng không nêu thông tin cụ thể.

“Sản phẩm này có mặt trên thị trường lâu chưa, ở hiệu thuốc có bán không?”, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi. Người phụ nữ này cho biết, sản phẩm này có trên thị trường khoảng 2 năm, được phân phối độc quyền, nhiều hiệu thuốc có nhu cầu phân phối nhưng công ty không đồng ý.

Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, bởi theo công bố, sản phẩm này được Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế OTIS Việt Nam công bố ngày 22/7/2024, tức mới được sản xuất, đưa ra thị trường chỉ khoảng 8 tháng nay.

Xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế OTIS Việt Nam có rất nhiều điểm bất thường, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm hoạt động của Cổ phần Thương mại Quốc tế OTIS Việt Nam cũng như những nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho hoạt động làm ăn có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

PV
Bài viết cùng chủ đề: quảng cáo sai quy định

Tin cùng chuyên mục

Hộp thư bạn đọc ngày 19/4: Phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo lố; sản phẩm cai thuốc lá mập mờ nguồn gốc

Kháng cáo xin án treo dây chuyền vụ 'Bà Nhàn trị nám': Liệu có quá nhẹ tay?

Từ sữa, thuốc giả nhìn lại vụ “Bà Nhàn trị nám” lừa đảo gần 500 tỷ

Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc xử lý đơn tố cáo Chu Thanh Huyền bán mỹ phẩm không tem nhãn

Sữa Fucoidan Nano 'nổ' chữa được ung thư: Công ty nói do đại lý

Cục Quản lý Dược chuyển đơn tố cáo Chu Thanh Huyền đề nghị QLTT xử lý

Hộp thư bạn đọc ngày 17/4: Phản ánh việc lấp hồ Đầm; Ốc Sên bán hàng thiếu tem nhãn

Công ty phân phối Hikid phản hồi sau bài viết Báo Công Thương

Doanh nghiệp phân phối Hikid nói gì sau khi Báo Công Thương phản ánh?

Mailystyle quảng cáo kiểu Kera:NMN, dầu thông đỏ 'cải tử hoàn đồng', chữa bách bệnh

Hà Nội: Nhà dân nứt toác cạnh công trường thi công dự án Trường THCS Huy Văn

Thanh Hóa: Cải thiện 'bữa ăn thiếu chất' tại trường nội trú Quan Hóa

‘Ăn Cùng Bà Tuyết' lên tiếng sau phản ánh về sản phẩm chân gà chưa chín

Sau phản ánh của Báo Công Thương, Chủ tịch tỉnh Nghệ An chỉ đạo làm rõ

Vòng xoáy bất chấp của Dưỡng Dướng Dường

Hộp thư bạn đọc ngày 10/4: Phản ánh trang Chu Thanh Huyền, Nguyễn Hoàng Mai Ly sai phạm

Hà Tĩnh: Hết hạn thuê đất, nhiều doanh nghiệp 'chây ì' không chịu di dời tài sản

Đông Anh, Hà Nội: Trạm bê tông không phép 'mọc' trong Cụm công nghiệp Thụy Lâm

Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội: Làm sai rồi xin - một kiểu lách luật?

Thêm phiên bản Kera mang tên 'sữa non Misure' chữa mất ngủ