Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Ưu tiên những ngành tạo nhiều việc làm Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai nhanh hơn |
Loay hoay tìm vốn
Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, chia sẻ: “Trong 2 năm vừa rồi, nếu không nhờ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thì có lẽ Lửa Việt đã ‘chết’. Thế nhưng, kể từ cuối tháng 6, tình hình giải ngân của các ngân hàng rất chậm dù doanh nghiệp có doanh thu, tăng trưởng cao, giữ uy tín tốt với ngân hàng”.
Tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó của các DN nhỏ và vừa. Ảnh: ST |
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank: TPBank đã ban hành các văn bản để hướng dẫn và tập huấn đào tạo đến tất cả các đơn vị, chi nhánh toàn hệ thống. Đến nay các đơn vị, chi nhánh đang chủ động rà soát danh mục khách hàng, phân tích từng hồ sơ khách hàng và xác định các khách hàng đủ điều kiện nhận hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Tính đến hiện tại, TPBank đã tiếp cận và tư vấn gần 500 khách hàng, trong đó có khoảng 50 khách hàng đang bổ sung hồ sơ để chờ phê duyệt và có gần 23 tỷ đồng dư nợ đã được TPBank thực hiện hỗ trợ cho khách hàng theo gói hỗ trợ lãi suất này. TPBank đã được NHNN phê duyệt kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong năm 2022 là 280 tỷ đồng, tương ứng với số dư nợ hỗ trợ lãi suất bình quân là 14.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, khách hàng có tâm lý ngần ngại đề xuất hỗ trợ lãi suất do lo ngại thủ tục và kiểm toán về sau, nên tỷ lệ khách hàng đăng ký tham gia còn thấp. Một số lượng lớn khách hàng là hộ kinh doanh tuy đúng ngành nghề nhưng lại không đủ điều kiện về đăng ký kinh doanh để được hỗ trợ. Trong thời gian tới, TPBank sẽ tiếp tục truyền thông rộng rãi hơn nữa về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đến các đối tượng khách hàng theo quy định của Nghị định 31. Đồng thời bám sát quá trình thực hiện của các chi nhánh để chỉ đạo kịp thời nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 31, Thông tư 03. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM: Mục tiêu của gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm là để hỗ trợ các DN phục hồi và tăng trưởng, thông qua hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay của ngân hàng và đúng đối tượng theo quy định thì mới được hưởng ưu đãi. Bởi nếu DN không đủ điều kiện vay mà phía ngân hàng vẫn cho vay tức là ngân hàng đã vi phạm quy định pháp luật, đồng thời cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư FIDT: DN Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Từ sau khi các ngân hàng bắt đầu bị hết hạn mức tín dụng, tôi đã nhận nhiều đề nghị của DN về việc hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi DN có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy DN lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn. Do đó, các DN phải quan tâm quản trị tài chính, đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. DN cần có hồ sơ bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần. |
Theo ông Duy, việc thời gian giải ngân bị kéo dài khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro bị “lỡ nhịp” kinh doanh. Để ứng phó với điều này, doanh nghiệp phải tăng dự trữ tiền mặt, làm cho chi phí vốn tăng lên. Ông Duy cho rằng, chỉ cần ngân hàng rút ngắn thời gian giải ngân đối với những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay cũng là sự hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” vừa được tổ chức tại TPHCM, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, vấn đề chính của các doanh nghiệp TPHCM hiện nay chính là vốn. Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng do thị trường bấp bênh doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó thực hiện được việc này. Theo ông Hưng, những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đáp ứng được. “Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có ‘sức khỏe’ tốt mới kết nối được, còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, đại diện Ngân hàng OCB cho biết, kể từ cuối tháng 6/2022, OCB đã hoàn thiện các văn bản về quy định, quy trình và hướng dẫn để triển khai gói hỗ trợ. Hiện tại, OCB đang thực hiện rà soát danh mục khách hàng vay hiện hữu và đã thống kê được gần 200 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với dư nợ gần 2.600 tỷ đồng phù hợp với đối tượng tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất. OCB sẽ làm việc với các khách hàng để có tư vấn, hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp.
Cần sớm nới room tín dụng
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau dịch, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng nếu thiếu 2 điều kiện này thì khó có thể tiếp cận tín dụng. Bởi các tổ chức tín dụng cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh để không mất vốn Nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa.
Theo đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện Việt Nam có 11 công ty cho thuê tài chính và khuyến khích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thuê tài chính. Bên cạnh đó cũng cần nỗ lực và thiện chí của hai bên, gồm tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp. Vì nếu tổ chức tín dụng muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng doanh nghiệp thiếu tính thiện chí trung thực, xây dựng phương án kinh doanh..., thì sẽ khó tiếp cận được tín dụng.
Về gói hỗ trợ 2% lãi suất, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Do đó, vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
TS Cấn Văn Lực cũng nêu ý kiến rằng không nên chờ đến quý 4, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát ổn rồi mới nới room tín dụng vì khi đó sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room ngay thì sẽ rất khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Để kiểm soát tốt thì việc nắn chỉnh dòng vốn đi đúng hướng là việc nên làm, chứ không nên thắt chặt, làm nghẽn.
Đại diện OCB cũng lưu ý, để được hỗ trợ gói lãi suất 2%, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện vay vốn, khả năng trả nợ, khả năng phục hồi… Do đó, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch, phương án kinh doanh hiệu quả, vốn vay được sử dụng đúng mục đích thì ngân hàng mới có thể xét duyệt một cách nhanh chóng.