TS. Nguyễn Minh Phong: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần cân nhắc tới tác động hai mặt của chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Ưu tiên những ngành tạo nhiều việc làm |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, các gói giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau 2 năm đại dịch đã được triển khai rất nhiều trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là phải làm sao để thực hiện các chương trình này nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, doanh nghiệp có cơ hội để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, quá trình “đóng băng” thị trường 2 năm vừa qua đã khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Các chính sách Chính phủ đã đưa ra thời gian vừa qua rất tốt, và được doanh nghiệp kỳ vọng. Tuy nhiên, điểm yếu là chính sách triển khai còn rất chậm. Do đó, hiến kế về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" diễn ra ngày 11/8, TS Lê Quốc Phương cho rằng, cần triển khai nhanh, mạnh các giải pháp đã có thời gian qua.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào các gói chính sách hỗ trợ |
Cụ thể, thứ nhất, thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế xã hội bằng cách triển khai nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ.
Đơn cử, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được các doanh nghiệp, hợp tác xã,, hộ kinh doanh kỳ vọng rất nhiều vì được vay vốn với lãi suất ưu đãi 2%. Khoản lãi suất này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt trong việc giảm chi phí giá thành sản xuất. Tuy nhiên, quá trình triển khai gói vay này gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều ngân hàng thông báo đã hết hạn mức tín dụng. Trong khi, điều kiện để vay không hề dễ dàng. Do đó, cần giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, quy định để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay này.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công để nâng cấp hạ tầng cơ sở nhìn chung vẫn chậm triển khai. “Ta có những chính sách rất hay, song bất cập chính là do triển khai chậm nên đã khó lại càng thêm khó. Trong khi đó, các dự án đầu tư công để nâng cấp hạ tầng cơ sở được doanh nghiệp rất kỳ vọng. Do đó, các chương trình này cần phải được triển khai mạnh hơn trong thời gian tới” - TS Lê Quốc Phương chia sẻ.
Thứ hai, cần chính sách tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
TS Lê Quốc Phương cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi sau đại dịch, việc giá nguyên nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Vừa qua, Bộ Công Thương đã có nỗ lực lớn trong việc điều hành giá xăng dầu bằng cách sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá. Nhờ đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá xăng dầu trong nước không tăng cao tương ứng mà tốc độ tăng chậm hơn. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng nhanh chóng giảm tương ứng. Đây là giải pháp được doanh nghiệp đánh giá cao” – TS Lê Quốc Phương nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh không chỉ giá xăng dầu mà nhiều chi phí khác như logistics, phí vận tải… cùng tăng cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì nhà nước, Bộ Công Thương cần có các kiến nghị về chính sách hỗ trợ thuế, phí để hạ nhiệt giá các loại nguyên nhiên liệu này.
Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn trong quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là giải pháp đã được triển khai mạnh thời gian qua và cần tiếp tục triển khai mạnh thời gian tới.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là việc Chính phủ và các bộ ngành triển khai rất mạnh thời gian vừa qua, song đến nay, hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng khi vẫn còn nhiều thủ tục cản chân doanh nghiệp mà thủ tục liên quan đến gói vay lãi suất 2% là một ví dụ. Việc chậm triển khai các gói hỗ trợ, chậm triển khai các kế hoạch đầu tư công chính có một trong những nguyên nhân là do quá trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn chưa triệt để. Do đó, đây là các nhóm giải pháp cần tiếp tục làm mạnh trong thời gian tới.