Cao Bằng cần tăng cường thanh tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm Cao Bằng: Triển khai các giải pháp giảm tổn thất điện năng Vì sao Cao Bằng chưa triển khai được một số nội dung khuyến công? |
Việc đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân.
Những năm qua với sự nỗ lực của các cấp, địa phương và ngành điện trong việc đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công nhân Điện lực kiểm tra định kỳ trạm biến áp. Ảnh: PC Cao Bằng |
Hiện, tỉnh Cao Bằng vẫn còn có 83 xóm, với trên 6.700 hộ chưa được sử dụng điện. Thiếu điện đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và đặc biệt ảnh hưởng đến việc dạy và học theo chương trình mới của học sinh.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến quý hết II/2024, số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh có điện lưới quốc gia là 123.674/130.135 hộ (đạt tỷ lệ 95,04%); số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia khoảng 6.461 hộ, tỷ lệ 4,96%; trong đó, Bảo Lâm là huyện có số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia là 3260/12.353 hộ, chiếm tỷ lệ 26,39% toàn tỉnh. Huyện Bảo Lạc có 2.362/10.977 hộ (tỷ lệ 21,52%) số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia.
Nguyên nhân là do nguồn vốn Trung ương bố trí cho đầu tư xây dựng các công trình điện tỉnh Cao Bằng thấp so với nhu cầu (180 tỷ /819 tỷ đồng, tỷ lệ 21,97%). Các hộ dân sống rải rác, khoảng cách quá xa, địa hình hiểm trở nên vượt mức suất đầu tư tối đa cấp điện cho một hộ dân ở nông thôn (120 triệu/1 hộ). Một số huyện chưa quan tâm ưu tiên đúng mức về nguồn lực (vốn được giao theo phân cấp) để đầu tư cho các công trình cấp điện, để tăng số hộ dân được sử dụng điện trên địa bàn quản lý.
Để đạt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% các xóm, hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện, tỉnh Cao Bằng đề nghị Trung ương cấp kinh phí tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh Cao Bằng. Tổng nhu cầu vốn là 283 tỷ đồng theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án cấp điện, trong đó sử dụng nguồn vốn dự phòng, kinh phí tiết kiệm thông qua đấu thầu và do nhà nước có chính sách giảm thuế VAT để đầu tư cấp điện nhằm nâng cao số hộ dân được sử dụng điện. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện tiếp tục bố trí lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác trên địa bàn tỉnh để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn. Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND tỉnh xem xét tiếp tục bố trí nguồn vốn vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình điện.
Công ty Điện lực Cao Bằng cho biết, hiện nay, các dự án xây dựng các công trình cấp điện cho các xóm chưa có điện đang triển khai tại 7 huyện Quảng Hòa, Hà Quảng, Bảo Lâm, Hạ Lang, Nguyên Bình, Thạch An, Hòa An với 22 dự án, cấp điện cho 38 xóm và 1.094 hộ. Sau khi 22 dự án hoàn thành, số xóm chưa có điện còn 45 xóm và 5.367 hộ, chiếm 4,12%.
Điện lực Cao Bằng cũng đề xuất tỉnh nghiên cứu và đồng ý cho các cơ quan liên quan, triển khai cung cấp điện đối với các hộ sống rải rác thuộc các xóm vùng cao, bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Cao Bằng đã bố trí là 180 tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án cấp điện cho các xóm chưa có điện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ưu tiên cấp điện cho 6 huyện có tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thấp (các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An). Các sở, ngành, UBND các huyện đã bố trí một phần vốn lồng ghép thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định an toàn đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất và sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.