Những năm gần đây, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, năng động, ghi dấu ấn không chỉ ở thị trường trong nước và mà đã vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, ngành sữa đã có nhiều đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm đời sống nhân dân và ổn định tình hình xã hội, trở thành một mắt xích quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam.
Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc. Sữa Việt Nam đã thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như các nước châu Âu, Nhật Bản và cả Mỹ.
Xưa nay đòn đánh bôi nhọ, xuyên tạc của “truyền thông bẩn” không mới nhưng thời buổi 4.0, bán hàng trực tuyến lên ngôi thì những chiêu trò này lại rất “hiệu quả” cho doanh nghiệp “bẩn”. Ảnh minh họa |
Thị trường sữa phát triển mạnh mẽ nhưng thời gian gần đây doanh nghiệp và dư luận bức xúc khi có dấu hiệu một số doanh nghiệp có những chiến dịch “truyền thông bẩn”. Chiêu trò phổ biến là nhân danh bác sĩ, dược sĩ lên “sóng” mạng xã hội (facebook, Tiktok, Zalo, Youtube…) khen sản phẩm này, chê sản phẩm khác, sau đó khuyên dùng nên sử dụng các sản phẩm khen.
Các bác sĩ, dược sĩ này hầu hết là tự xưng, khoác áo blue nhưng cũng có không ít văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, bác sĩ, dược sĩ thật cũng tham gia quảng bá những loại sữa, sản phẩm sữa “hư hư thực thực”, làm người tiêu dùng hoang mang.
Xưa nay, đòn đánh bôi nhọ, xuyên tạc của “truyền thông bẩn” không mới nhưng thời buổi 4.0, bán hàng trực tuyến lên ngôi thì những chiêu trò này lại rất “hiệu quả” cho doanh nghiệp “bẩn”, gây thiệt hại lớn cho một số sản phẩm, thương hiệu hay doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh chân chính khác.
Hoạt động quảng cáo sai sự thật và dùng nhiều thủ đoạn để cạnh tranh không lành mạnh là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm… có quy định và chế tài nghiêm khắc với các hành vi vi phạm pháp luật về các hành vi này. Tuy nhiên, luật quy định là vậy nhưng việc thực hiện lại khác. Nguyên nhân chính là do còn nhiều “lỗ hổng” về luật pháp để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng hoạt động, trục lợi.
“Lỗ hổng” lớn nhất hiện nay chính là kinh doanh trực tuyến, bán hàng online. Trong một “thế giới phẳng” mênh mông, không biên giới trong khi việc kiểm soát, xử lý lại vô cùng gian nan. Ngay cả khi “truy” trách nhiệm của những doanh nghiệp, cá nhân thông tin sai sự thật cũng không khác gì “đá ném ao bèo”. Hậu quả rất lớn nhưng chờ đến khi đính chính, xin lỗi hay xử lý về mặt hình sự thì doanh nghiệp, sản phẩm chân chính đã thiệt hại nặng nề.
Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn phải thiết lập một hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao nhận thức và đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trách nhiệm này không chỉ là của riêng một Bộ, ngành nào cả mà cần sự chung tay, vào cuộc của nhiều Bộ, ngành cũng như sự quyết tâm của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng.
Đối với bác sĩ, dược sĩ hay những người nhân danh bác sĩ, mặc áo bluose cố tình quảng cáo, thông tin sai sự thực, vi phạm pháp luật, quảng bá sản phẩm kém chất lượng hoặc xuyên tạc, chê bai các sản phẩm của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác... cần phải xử lý nghiêm minh.
Một doanh nghiệp chỉ thực sự mạnh, đem lại lợi ích cho đất nước, Nhân dân khi trung thực, vì cộng đồng. “Gà cùng một mẹ” nhưng vẫn còn tìm cách “đá nhau”, thì nên chăng phải loại bỏ khỏi thị trường và cần xử lý nghiêm.