Phát huy chuỗi kết nối giá trị ngành hàng
Bến Tre nổi tiếng với sản phẩm dừa và nhiều chuỗi giá trị dừa đã được thành lập. Theo đó, đối với dừa công nghiệp, Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre đã ký hợp đồng với 591 hộ, diện tích 443,9 héc-ta, thu mua 100% sản phẩm dừa trái. Công ty Lương Quới đã ký hợp đồng thu mua với 184 hộ, quy mô 150,89 héc-ta. Công ty Á Châu đã ký hợp đồng thu mua với 137 hộ, quy mô 259,9 héc-ta và Công ty Giàu Tiến đang trong giai đoạn thỏa thuận ký hợp đồng thu mua với các tổ hợp tác, HTX.
Chôm chôm là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre |
Đối với dừa uống nước, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mê Kông đã ký hợp đồng với 40 hộ dân tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm với diện tích 20,42 héc-ta, thu mua 100% sản lượng. Hiện nay, các chuỗi sản xuất đều hướng tới các chỉ tiêu về thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững. Cụ thể như: Công ty Nhiệt đới, Công ty Việt Tiến sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; Công ty Betrimex và Công ty CBD Lương Quới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; Công ty Mê Kông đang định hướng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cùng với dừa, chuỗi giá trị bưởi da xanh cũng được thành lập. HTX Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre huyện Châu Thành có quy mô 50 héc-ta với có 89 hộ tham gia. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cơ sở Hương Miền Tây, Hoàng Quý và Công ty VinEco khoảng 35,43 héc-ta. Đồng thời, HTX này đã ký kết hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào với doanh nghiệp Thế Năng, Tập đoàn Lộc Trời... Đến nay, sản lượng bưởi da xanh của tỉnh được liên kết tiêu thụ với cc doanh nghiệp khoảng 2.000 tấn/năm.
Hợp tác xã có vai trò chủ đạo
Đến nay, sản lượng bưởi da xanh của tỉnh được liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp khoảng 2.000 tấn/năm.
Ông Cao Minh Đức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre - cho biết: Từ thực tiễn hình thành HTX trong thời gian qua, có thể khẳng định, HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm cho người nông dân. Vai trò cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu cho thành viên HTX, người nông dân yên tâm sản xuất. Đến nay, Bến Tre đã hình thành 60 HTX trong nông nghiệp, thu hút trên 21.697 thành viên HTX.
Ngoài ra, các ngành chức năng đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 237,74 héc-ta cây ăn trái được công nhận GAP; chỉ dẫn địa lý bò Ba Tri, chôm chôm huyện Chợ Lách, dừa xiêm xanh Bến Tre, bưởi da xanh Bến Tre đã được công nhận.
Trên thực tế, việc hình thành các HTX và liên kết sản xuất giúp người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng thành viên của HTX. Qua đó, tăng lợi ích kinh tế cho từng thành viên, đảm bảo được chất lượng và số lượng hàng nông sản cho khách hàng. Đồng thời, có thể ký hợp đồng đầu ra, sản xuất quy mô lớn, phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững tránh tình trạng được mùa - rớt giá và chịu cảnh bị tư thương ép giá.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia HTX. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò, tôm biển.
Bến Tre đang triển khai xây dựng chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, bò, lợn và con tôm biển. Bước đầu đã hình thành những vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp. |