Những rủi ro trong xuất khẩu gỗ Việt Xuất khẩu gỗ vào thị trường Hoa Kỳ: Dư địa còn lớn |
Công văn nêu rõ, trong thực tế theo dõi ngành gỗ thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận thấy có các doanh nghiệp khai báo tờ khai hải quan cho mặt hàng gỗ nhập khẩu hoặc xuất khẩu có những điểm chưa phù hợp hoặc sai tên theo cách phiên âm tiếng Việt hoặc theo ngôn ngữ địa phương. Ví dụ có doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ đã khai báo tên sản phẩm là: Kệ nước sơn VM 820 bằng ván ép Okan; hoặc bàn làm việc 1.600x800x750mm bằng ván ép Okan.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, vừa qua đã có tổ chức môi trường quốc tế do không nắm đúng bản chất của loại sản phẩm gỗ và loài gỗ đã dựa trên khai báo sai tên nêu trên để làm căn cứ cáo buộc ngành gỗ Việt sử dụng gỗ nhiệt đới rủi ro cao trong báo cáo đánh giá tiêu cực gửi cho Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác. Điều này dẫn đến rủi ro cho chính doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sản phẩm gỗ và ảnh hưởng đến hình ảnh chung của toàn ngành gỗ.
Nhằm tránh những rủi ro không đáng có nêu trên trong qua trình khai báo thủ tục hải quan khi xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục khai báo hải quan cần lưu ý mô tả chi tiết, đầy đủ và đúng mặt hàng và loài gỗ trên tờ khai hải quan và hồ sơ chứng từ.
Cụ thể: Ván ép okal (tên đúng) và ván ép okan (tên sai, thường nhầm với loài gỗ okan – gỗ lim nhập khẩu từ các quốc gia lưu vực sông Công gô - châu Phi); các trường hợp trùng lặp tên gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu khi khai báo như: gỗ xoan cần ghi rõ để phân biệt giữa gỗ xoan vườn, xoan mộc từ rừng trong nước với các loại gỗ xoan (sapele, sipo,…) được nhập khẩu từ các quốc gia lưu vực sông Công gô - châu Phi).
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị doanh nghiệp quan tâm phối hợp thực hiện để đảm bảo tốt hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới.
Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ với thị trường trải rộng khắp 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, ngành gỗ Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của khách hàng, đối tác toàn cầu mà còn của các đối thủ cạnh tranh, cũng như nhiều tổ chức môi trường quốc tế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là việc kiểm soát hiệu quả nguồn gỗ nhập khẩu nhiệt đới từ các quốc gia ngoài vùng địa lý tích cực.
Trong thời gian vừa qua, ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các rào cản thương mại từ các thị trường xuất khẩu như các vụ khởi kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và gần đây nhất là cuộc Điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ đối với gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam. Đồng thời, một số tổ chức môi trường vẫn đang tiến hành giám sát các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng gỗ tại Việt Nam.