Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương khi nói về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội hay thách thức với Việt Nam? Câu trả lời là cả cơ hội và thách thức. Nhưng thách thức sẽ lớn hơn. Thậm chí, tôi nhìn thấy có rất ít cơ hội cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu không nên "bỏ trứng vào một rổ" tránh bị phụ thuộc |
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một số người nhận định rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao với nhiều mặt hàng của Trung Quốc, mà những mặt hàng đó là thế mạnh của Việt Nam thì đây là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Điểm nhấn giúp Tổng thống Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ chính là chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Nhìn từ những hành động, chính sách đối ngoại của ông Trump trong nhiệm kỳ vừa qua cho thấy ông đang cương quyết theo đuổi chính sách này, đơn cử như việc rút khỏi TPP ngay khi vừa đắc cử Tổng thống. Theo đó, ông Trump muốn có “công bằng thương mại với nước Mỹ”, thay vì tham gia các FTA đa phương, thì ông Trump lại theo đuổi các FTA song phương. Trong đó, Mỹ muốn cân bằng lại cán cân thương mại giữa xuất khẩu – nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới (gần 35 tỷ USD năm 2018).
Bên cạnh đó là những thách thức hiện hữu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đè lên kinh tế thế giới. Năm 2018 và đầu năm 2019, kinh tế thế giới chứng kiến và chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế phát triển như Mỹ - Trung, Nhật – Hàn, Pháp – Mỹ, sự bế tắc để đạt thỏa thuận chung giữa Anh và EU. Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được xác định là cuộc đấu chiến toàn diện và lâu dài. Hệ lụy nhìn thấy được là tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới giảm mạnh. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay.
Nằm trong bức tranh kinh tế thế giới, Việt Nam là quốc gia chịu tác động mạnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong bối cảnh 2 quốc gia Mỹ - Trung áp thuế lẫn nhau, quy định về hàng hóa “made in Viet Nam” chưa rõ ràng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành quốc gia thứ 3 để xuất khẩu hàng hóa giữa 2 quốc gia này để tránh bị áp thuế thương mại.
Về trung hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Những tháng đầu năm 2019 chứng kiến làn sóng FDI ồ ạt của doanh nghiệp Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kong) vào Việt Nam với 437 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư 3,15 tỷ USD. Thách thức đặt ra sẽ là Việt Nam rất có thể trở thành nơi “tập kết” hàng hóa Trung Quốc để xuất sang các quốc gia khác. Việt Nam là quốc gia có nhiều FTA có độ mở lớn mà mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể đàm phán và đạt được, nếu doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị không tốt, không tận dụng được cơ hội thì kết quả mang lại là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi.
Khó khăn với thương mại Việt Nam không dừng lại ở đó, để đối phó với các biện pháp áp thuế của Mỹ, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ, điều này đồng nghĩa với việc giá chênh lệch giữa đồng tiền Việt Nam và đồng nhân dân tệ càng tăng, và hàng hóa Việt Nam tự nhiên sẽ “đắt” hơn hàng Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, lẽ tất nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu của quốc gia này sẽ chuyển hướng đi các quốc gia khác, trong đó có thị trường Việt Nam. Điều này sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi trên thực tế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu.
Doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội từ các FTA |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm sút đối với các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản…. và lấp chỗ trống ở thị trường Trung Quốc với những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị đánh thuế mạnh như các loại thịt, tôm… Nhưng tuyệt đối, không được “bỏ trứng vào một rổ”, phải tận dụng tối đa các lợi thế của các FTA đã đạt được như CPTPP, EVFTA để đề phòng rủi ro tăng lên trong giao dịch. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật về nông, lâm, thủy sản, nguồn gốc xuất xứ… nâng cao tỷ lệ gia tăng của sản phẩm, giảm bớt “xuất khẩu hộ” nước khác…. Riêng đối với các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi về công nghệ sản xuất, quản lý để chuẩn hóa sản xuất, sản phẩm để giữ chân được người tiêu dùng trước sức ép ngày càng lớn từ hàng hóa các quốc gia được hưởng ưu đãi từ các FTA với Việt Nam cũng như hàng hóa Trung Quốc tràn vào.