TP. Cần Thơ có 80% diện tích đất nông nghiệp với 232.000 ha sản xuất lúa; sản lượng trên 1,4 triệu tấn, đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ. Riêng năm 2018, diện tích sản xuất 237.326 ha, sản lượng lúa đạt 1.426.467 tấn.
Các DN gạo của TP Cần Thơ sẽ nâng cao chất lượng hàng hóa theo quy trình sản xuất sạch |
Phát huy lợi thế
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2019 của Thành phố tương đối ổn định so với cùng kỳ, sản lượng xuất khẩu thực hiện được 550,9 ngàn tấn, đạt 65,9% kế hoạch năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ; với kim ngạch khoảng 239 triệu USD đạt 69,7% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
Hiện nay, TP. Cần Thơ giao thương với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu gạo đi rất nhiều nước trên thế giới như Australia, Newzealand, Thụy Sĩ, Mỹ; các nước Châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippine,...) và các nước Châu Phi (Nam Phi, Ghana, Pa-pua Niu Ghi-nê, Ethiopia,...).
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết, những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo không thuận lợi do các thị trường đồng loạt giảm nhập khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp không ký được hợp đồng do phía Trung Quốc đang kiểm tra các doanh nghiệp đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc về năng lực, máy móc. Các thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp gạo của Cần Thơ như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Papua New Guinea cũng rất khó để xuất hàng vào do phía Trung Quốc đẩy mạnh bán gạo tồn kho với mức giá rẻ.
Tuy nhiên, theo ông Toại, nhiều doanh nghiệp gạo đã nắm bắt được sự thay đổi chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippine và đã mở rộng được thị trường này; đồng thời, số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo tăng thêm 7 doanh nghiệp so với 2018 nên lượng gạo xuất khẩu ổn định. Hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu gạo sang Philippines, Iraq, Trung Quốc và Châu Phi. Nhiều nước Châu Phi hiện đã tăng nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique.
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong thời gian qua, xuất khẩu gạo của thành phố Cần Thơ giữ vững được sản lượng một phần nhờ chất lượng gạo xuất khẩu được cải thiện, cơ cấu các mặt hàng gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi đáng kể. Một số doanh nghiệp tại Cần Thơ đã đầu tư vùng lúa nguyên liệu với các giống lúa chất lượng cao đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Có doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân đảm bảo chất lượng, giá cả, đồng thời thu mua lúa hàng hóa với giá tương đối có lợi cho nông dân tham gia liên kết sản xuất.
Ngoài ra, hiện nay, người nông dân tích cực tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn, giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia, phối hợp xây dựng và phát triển Cánh đồng lớn cũng như vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung; Một số doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào được đảm bảo chất lượng, giá tốt, giá thu mua lúa hàng hóa tương đối có lợi cho nông dân tham gia liên kết sản xuất.
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ tại Hội thảo “cơ hội và thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra vừa qua tại TP Cần Thơ. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Nguyễn Minh Toại, kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm 2019 khả năng sẽ đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa, thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa, dòng vốn đầu tư; đồng thời, tỷ giá tại các quốc gia nhập khẩu biến động mạnh làm cho khách hàng không ký kết thêm các hợp đồng mới.
Ngoài ra, việc tác động của biến đổi khí hậu thời gian qua đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp làm ảnh hưởng nhất định đến sản lượng xuất khẩu gạo của thành phố. Tình hình biến đổi khí hậu, mưa trái mùa, nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng một phần đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa, gạo. Giá lúa, gạo trên thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có những thời điểm các doanh nghiệp không tìm được thị trường đầu ra, cũng như các hợp đồng tập trung nên không thu mua lúa dự trữ để tìm kiếm hợp đồng mới, dẫn đến giá lúa xuống thấp, nên ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Giá cả phụ thuộc lớn vào thị trường và không ổn định. Bên cạnh đó, hiện nay người nông dân chỉ muốn bán lúa tươi tại đồng nên cũng gây không ít áp lực đối với doanh nghiệp về khâu thu mua và thanh toán, ngoài ra nhân lực công ty, năng lực sấy và bảo quản khi lúa vào vụ thu hoạch rộ vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô cánh đồng lớn, tạo nguồn hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hoá tập trung trong đó thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao.
Đầu tư vùng chuyên canh lúa, gạo theo mô hình liên kết phải có quy hoạch sản xuất từng loại lúa hàng hóa hoặc nguyên liệu thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng vùng, miền, ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi, trồng; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa theo quy trình sản xuất sạch.
Ngoài ra, tăng cường đầu tư phát triển cơ giới nhằm tăng hiệu suất lao động và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đổi mới công nghệ trong bảo quản, chế biến, chế biến sâu tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường quốc tế, nhất là thị trường khó tính.
Nâng chất “cánh đồng mẫu lớn”
Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long – nơi được xem là vựa lúa của Việt Nam. Thành phố Cần Thơ có 80% diện tích đất nông nghiệp với 232.000 ha sản xuất lúa; sản lượng trên 1,4 triệu tấn, với các giống lúa như OM4218, OM5451, Jasmine85... Giống được sử dụng có nguồn gốc từ các Viện, Trường hoặc từ các cơ sở sản xuất giống có đăng ký sản xuất kinh doanh giống. Đến nay, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao chiếm tỷ lệ trên 80%, giống chất lượng thấp như IR50404 chiếm tỷ lệ dưới 20%.
“Cánh đồng lớn” đã hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín |
Theo ông Nam, từ vụ Hè Thu 2011, thành phố triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với diện tích 400 ha tại Ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể. Phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ tiếp tục phát huy và mở rộng mô hình và thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn thành phố.
Đến năm 2017, ngành nông nghiệp của thành phố đã triển khai Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2025. Hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong mô hình chủ yếu là: Liên kết, ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác sản xuất trong cánh đồng lớn về cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; Hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch hại, hướng dẫn các giải pháp xử lý đồng ruộng.
"Kết quả thực hiện “Cánh đồng lớn” đã hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín; chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật; doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ và là cơ hội đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất, tạo đà phát triển theo hướng bền vững" - ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Với các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, cùng với lợi thế về địa lý là trung tâm vùng, thuận lợi trong việc vận chuyển tập trung nguyên liệu từ các tỉnh lân cận, Cần Thơ có khả năng xuất khẩu ổn định khoảng 1- 1,2 triệu tấn gạo/năm. Mặt hàng gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. |