Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ là một đô thị sông nước nằm trung tâm vùng ĐBSCL, những sản phẩm được xem là thế mạnh của vùng như gạo, thủy sản, nông sản chế biến, trái cây. Trên địa bàn thành phố có 2 cảng biển lớn giữ vai trò quan trọng trong đầu mối toàn vùng gồm Cảng Cái Cui và Cảng Tân Cảng có thể tiếp nhận tàu hàng 10.000 đến 20.000 tấn, có khả năng bốc dỡ 4,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ phá biểu khai mạc |
Theo ông Nam, TP Cần Thơ hiện có mối quan hệ xuất, nhập khẩu với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngoại tệ đạt 2 tỷ USD. Tính đến tháng 9 năm 2019, toàn Thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 726 triệu USD. Trong đó có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn đầu tư của Hồng Kông với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 95,68 triệu USD, 9 tháng đầu năm năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ và 1,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạo là hơn 300 triệu USD tương đương với 700 nghìn tấn, riêng thị trường Hồng Kông, Thành phố Cần Thơ xuất khẩu hơn 6,6 triệu USD chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của thành phố.
Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: Việt Nam và Hồng Kông có mối quan hệ giao thương mua bán hàng hóa thương mại từ lâu, riêng TP Cần Thơ có giao thương với Hồng Kông nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, may mặc, nông sản chế biến với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là 28,7 triệu USD và 9 tháng năm 2019 đạt 29,6 triệu USD, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 là 4,14 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2019 là 3,46 triệu USD các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, hóa chất vải và nguyên liệu may mặc.
Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ |
Theo ông Toại, riêng mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu sang Hồng Kông năm 2018 là khoảng 1,8 triệu USD, 9 tháng năm 2019 là hơn 6,6 triệu USD với các sản phẩm gạo trắng gạo đồ, gạo nếp, gạo thơm… Kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 của thành phố tương đối ổn định so với cùng kỳ sản lượng xuất khẩu thực hiện 685,3 ngàn tấn, với kim ngạch khoảng 301 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
“Cần Thơ giao thương với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó xuất khẩu gạo đi được nhiều nước trên thế giới như Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Mỹ các nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines và các nước châu Phi như Nam Phi, Ghana… do đó thông qua chương trình hôm nay hy vọng sẽ giúp DN hai bên có cơ hội tìm kiếm hợp tác, kết nối giao thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo nói riêng và các mặt hàng nông sản của Cần Thơ nói chung” , ông Toại nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, Hồng Kông là một trong những thị trường quan trọng của gạo xuất khẩu Việt Nam với vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào thị trường Hồng Kông chủ yếu là các loại gạo thơm như Jasmine, Nàng Hoa, KDM… Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của Thành phố Cần Thơ.
Nguyễn Trung Kiên- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội lương thực Việt Nam phát biểu tại chương trình |
“Hiệp Hội lương thực Việt Nam xác định đây là một thị trường trọng tâm đối với các sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam. Để thúc đẩy mọi hợp tác thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hồng Kông đồng thời góp phần quảng bá các sản phẩm gạo thơm cũng như giới thiệu quy trình sản xuất vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh chú trọng về chất lượng gạo, ngành gạo Việt Nam đang tập trung xây dựng các cánh đồng liên kết với nông dân theo các tiêu chuẩn quốc tế như organic, Gobal GAP, SRP…” ông Kiên nói.
Đại diện DN đến từ Hồng Kông cho biết, Cần Thơ là thành phố có nền nông nghiệp phát triển nhất của ĐBSCL. Đây là nơi có nhiều đầu mối xuất khẩu gạo nhiều nhất nước Việt Nam và có nhiều loại gạo đặc sản được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tham dự chương trình lần này và các buổi làm việc tại các DN gạo ở Cần Thơ chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác giao thương, xuất khẩu gạo giữa các DN hai bên.
Theo Sở Công Thương Cần Thơ, hiện nay thành phố có 41 DN có giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo với năng lực sản xuất cơ sở kho chứa đảm bảo yêu cầu kĩ thuật tổng lượng sức chứa kho 400.000 tấn thóc và hơn 800.000 tấn gạo. Có 48 cơ sở xây xát lúa tổng công suất 730 tấn/giờ. Có 62 cơ sở lau bóng gạo với công suất 1.103 tấn/giờ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu về gạo của các thị trường, Sở Công Thương Cần Thơ tiếp tục khuyến khích người nông dân tích cực tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm theo từng giai đoạn, tăng cường đầu tư phát triển cơ giới nhằm tăng hiệu quả suất lao động và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa. Bên cạnh đó xây dựng và phát triển cánh đồng lớn cũng như vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất sạch, thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc..
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ: "Trong thời gian tới ngành gạo của thành phố Cần Thơ sẽ chú trọng phát triển gạo chất lượng cao, gạo thơm, gọa vitamin, gạo hữu cơ và đa dạng các loại sản phẩm từ gạo như phở, bún, bánh gạo, sữa gạo..." |