Quy mô thị trường EU 27 hiện có khoảng 500 triệu dân, GDP đạt 18.292 USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu. Tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may khoảng 250 tỷ USD/năm, chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU năm 2019 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm thị phần 2,2%, xấp xỉ thị phần của Campuchia, đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên hiện nay, Bangladesh, Pakistan, Campuchia đều được miễn thuế hoặc hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU với điều kiện xuất xứ dễ dàng hơn Việt Nam.
Nguyên phụ liệu đang là nút thắt của ngành dệt may |
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may vào EU khi khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu sẽ về 0% sau 5 năm, trong đó khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Còn lại khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu về 0% sau 7 năm. Dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần sau 5 năm, chiếm khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 con số, phấn đấu vượt qua Ấn Độ và bám sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn, để hưởng miễn thuế của EVFTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu, do đó Bộ Công Thương cần triển khai tận dụng ngay linh hoạt cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản – là 2 quốc gia có cùng FTA với EU và Việt Nam và cũng đang chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam (kim ngạch nhập khẩu vải Hàn Quốc kho 2 tỷ USD, chiếm 16% và từ Nhật Bản khoảng hơn 800 triệu USD, chiếm 7%).
Trong dài hạn, cùng với nhận thức cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước để giảm tác động của đại dịch Covid khi phụ thuộc vào 1 nguồn cung nguyên liệu và quy tắc xuất xứ yêu cầu từ vải trở đi trong EVFTA tạo ra động lực dài hạn thu hút đầu tư vào sản xuất vải.
“Tuy nhiên suất đầu tư cho 1 nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng). Với hiện trạng ngành dệt may hiện tại, trong tổng số 8.450 doanh nghiệp có 85% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ đông, trên 50 tỷ chiếm 15% trong đó trên 500 tỷ chỉ chiếm 3% nên ta chưa đủ nguồn lực làm nguyên liệu chưa kể thị trường tiêu thụ chưa chắc chắn do chưa vào được chuỗi. Vì vậy, cần có chính sách đủ mạnh thu hút thêm nguồn lực từ khu vực FDI, có vốn và có chuỗi cung ứng đầu tư vào sản xuất vải”, ông Lê Tiến Trường chỉ rõ.
Do đó, ông Lê Tiến Trường kiến nghị, đối với Chính phủ, cần có chính sách đủ hấp dẫn đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Theo đó, trước mắt, Chính phủ cần có quy hoạch Khu công nghiệp cho nguyên phụ liệu dệt may đủ lớn (ví dụ đối với sản xuất vải: để tiến hành sản xuất dệt, nhuộm, hoàn tất cho 1 tỷ mét vải sẽ cần 300 ha đất) và có hạ tầng xử lý nước thải. Bên cạnh đó, bỏ thuế VAT khi doanh nghiệp mua NPL dệt may trong nước. Với quy định hiện tại, thuế VAT khiến đơn giá tăng thêm 2%. Ngoài ra, phải giảm chi phí logistics vì chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam đang rẻ hơn từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các địa phương.
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị ngành dệt may đều ở mức thấp. 6 tháng 2020, xuất khẩu dệt may đạt 16,2 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ, tương đương mức giảm gần 13%. Xuất khẩu vải đạt 1 tỷ USD, giảm 17,4%, xơ sợi dệt các loại gần 1,9 tỷ USD, giảm 20,9%...
Tuy nhiên, xét về mức độ suy giảm chung của ngành dệt may trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi ghi nhận giảm 14%, trong khi Bangladesh và Ấn Độ đều giảm 23% trong 6 tháng đầu năm. Nếu tận dụng tốt EVFTA, sẽ rộng mở cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành dệt may.