Cần làm rõ các nội hàm của khái niệm kiểm tra chuyên ngành
Tin hoạt động 24/07/2018 18:23
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Làm rõ khái niệm để có giải pháp trúng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại - đánh giá các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành. Tính trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Báo cáo tại hội nghị nêu Bộ Công Thương mới kết nối 6/11 thủ tục hành chính với Cơ chế một cửa quốc gia thế nhưng trên thực tế Bộ đã sẵn sàng cho công tác kết nối cả 11/11 thủ tục hành chính. Về nguyên tắc cho tới thời điểm tháng 9/2018, Bộ sẽ có thể kết nối 17 thủ tục song do hạ tầng thông tin chưa cho phép nên phải lui lại tới đầu năm 2019. |
Là đại diện bộ, ngành đầu tiên phát biểu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thực tế của quá trình kiểm tra chuyên ngành thời gian qua cho thấy đã đến lúc cần làm rõ các nội hàm của khái niệm kiểm tra chuyên ngành.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đề xuất, các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan cần công khai và cập nhật danh mục các mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành để có các giải pháp hợp lý hơn cho công tác này.
"Có những cải cách doanh nghiệp mừng rơi nước mắt”
Đó là ý kiến mà TS.Nguyễn Đình Cung nhắc lại nhiều lần khi nói về những kỳ vọng lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào những ý tưởng, hành động cải cách liên quan đến thủ tục hành chính của Chính phủ. Ông đề cập thực trạng hiện nay một mặt hàng nhưng chịu sự quản lý của cùng lúc 2-3 bộ, ngành. Ngay trong một bộ, có từ 2-3 cục cùng quản lý, kiểm tra một mặt hàng và dẫn giải bằng con số: Sau hơn 3 năm chỉ giảm được 4.000 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành là chưa nhiều. Thậm chí đối với cơ chế một cửa quốc gia, theo ông, người ta chỉ mới kết nối những thủ tục ít người sử dụng, những thủ tục nhiều người sử dụng thì không kết nối. "Theo quan điểm của tôi, kết nối những thủ tục ít người sử dụng thì quyền lợi bị giảm đi ít, còn những thủ tục nhiều người dùng thì dường như chúng ta chưa kết nối do quyền lợi bị giảm đi nhiều. Vấn đề này cần phải thay đổi nhanh chóng, cùng với đó là sửa đổi các văn bản để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh"- TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.
Số mặt hàng do 2 -3 bộ cùng làm công tác kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 50%. Không những vậy, việc kiểm tra chuyên ngành còn chịu chi phối của 337 văn bản dưới dạng thông tư. Khi được yêu cầu chỉnh sửa thông tư, câu trả lời mà TS. Nguyễn Đình Cung thường nhận được là nội dung của thông tư đã có trong luật liên quan. “Thế nhưng hầu như không ai đặt vấn đề sửa luật cả” - TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.
Đã thống nhất, phải bắt tay ngay vào hành động
Chốt lại những điểm quan trọng nhất được lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và đại diện các doanh nghiệp và các định chế tài chính thương mại quốc tế nêu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình dự thảo Nghị định và Kế hoạch hành động để Chính phủ sớm ban hành. Trong dự thảo Nghị định và Kế hoạch hành động, phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng, hiệu quả, thiết thực hơn; đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực. Đây chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng lưu ý, đi đôi với đó cần cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập. “Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự quyết tâm của Bộ Công Thương cùng các Bộ: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. |
Theo Thủ tướng, đúng là có việc chưa làm rõ nội hàm cũng như các tiêu chuẩn quy chuẩn trong kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi thương mại. “Cần minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành” - Thủ tướng chỉ đạo.
Với tâm thế lời nói đi đôi với hành động, Thủ tướng đã chỉ đạo 5 nội dung mà các bộ, ngành, các cấp cần bắt tay thực hiện ngay. Một là, tiếp thu đến mức cao nhất các ý kiến nêu tại hội nghị; hai là, nội hàm trong kiểm tra chuyên ngành cần phải rõ ràng hơn, chấm dứt tình trạng có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy chuẩn, tiêu chuẩn; ba là, các bộ ngành phải tích cực, ráo riết hơn nữa trong việc rà soát các văn bản. Thậm chí theo Thủ tướng mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hành chính có thể còn được thiết kế cao hơn nữa; bốn là, giám sát chỉ đạo cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại địa phương mình; năm là, Bộ Tài chính định kỳ 6 tháng hoặc có thể đột xuất báo cáo với lãnh đạo Chính phủ về công tác cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. “Một Ủy ban mà do một Ủy viên Bộ Chính trị, một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo đã cho thấy tầm vóc của vấn đề” - Thủ tướng khẳng định.