Thủ tướng Chính phủ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận Khai mạc Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 |
Xây dựng mô hình đại học đổi mới sáng tạo
Xu thế toàn cầu hóa và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vai trò của khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đánh giá về việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đào tạo, giảng dạy hiện nay tại trường, chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 sáng 16/5, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.
"Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đang định hướng phát triển theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị mang bản sắc đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội" - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn |
Bên cạnh đó, với vị thế và trách nhiệm của một đại học hàng đầu Việt Nam, theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung đẩy mạnh phát triển theo định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động, tiên phong mở đường trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam.
Nhờ thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động; vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số - thông tin số - tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản trị, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
"Vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng được khẳng định, liên tục có mặt trong các bảng xếp hạng như QS, THE, Webometrics, URAP, được nằm trong nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới, tiếp cận nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á”, PGS.TS Phạm Bảo Sơn chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Phạm Bảo Sơn, hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học cơ bản và khoa học liên ngành, ưu tiên các định hướng đổi mới sáng tạo, đồng thời lựa chọn, đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực và sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Đỗ Nga |
“Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố hơn 4.000 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS (chiếm khoảng 20% tổng số bài báo ISI/SCOPUS của cả nước), trong đó có các công trình đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới” – PGS.TS Phạm Bảo Sơn thông tin.
Thêm đó, chú trọng phát triển các mô hình chuyển giao tri thức, phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các doanh nghiệp, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư để có thể tạo sản phẩm có tính sáng tạo cao, hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ (Start-up/ Spin-off) trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cần một chiến lược tổng thể liên kết giữa các trường
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn về Đại học Đổi mới Sáng tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những nhận định quan trọng trong chiến lược phát triển Đại học đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, hiện nay, đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.
"Theo đó, nếu như các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Các đại biểu trình bày tham luận về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong đổi mới sáng tạo hiện nay tại các trường đại học. Ảnh: Đỗ Nga |
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã ra đời và đóng góp nhiều vào tiến trình phát triển trong lĩnh vực. Chia sẻ về vấn đề này tại diễn đàn, ông Trần Duy Đông, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã cơ bản hình thành Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Thực hiện nhiệm vụ được giao về mở rộng mạng lưới Đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, với mục tiêu phát triển, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ phía các viện, trường, các cơ sở giáo dục đại học, ngày 15/11/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tham gia thành lập và bảo trợ Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng (nay đổi tên là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (viết tắt là VNEI).
“Cho đến nay, ngoài việc mở rộng và tăng nhanh chóng số lượng đơn vị thành viên từ 13 lên 50 đơn vị thành viên chỉ trong chưa đầy 2 năm hoạt động, mạng lưới cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và có tác động tích cực, lan toả" -Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Ra mắt ban điều hành mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học và cao đẳng Việt Nam (VNEP). Ảnh: Đỗ Nga |
Các chương trình do VNEI và NIC phối hợp tổ chức đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng làm tiền đề đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, trang bị kỹ năng, kiến thức cho nguồn nhân lực trẻ tương lai.
Đặc biệt, mới đây NIC và VNEI phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng ngày 12/5 tại thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, theo Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Để thúc đẩy phát triển bền vững của nền giáo dục đổi mới này, cần phải có một chiến lược tổng thể với sự phối hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ, cũng như cần thiết phải tạo ra các diễn đàn để thảo luận và đề xuất các chiến lược, cơ chế chính sách phát triển đổi mới sáng tạo".
"Chỉ thông qua những nỗ lực chung này, Đại học Đổi mới sáng tạo mới thực sự có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay" - Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.