Duy trì tăng trưởng xuất nhập khẩu dương, xuất siêu kỷ lục 10 tháng, xuất siêu đạt kỷ lục mới |
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 10 (16-31/10) đạt 34,51 tỷ USD, tăng 27,7% (tương ứng tăng 7,49 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 10/2023.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng lên 558,33 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 59,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2023, nước ta xuất siêu 24,59 tỷ USD |
Kỳ 2 tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,02 tỷ USD, tăng 27% (tương ứng tăng 3,83 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 10/2023. Các nhóm hàng tăng mạnh như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; hàng dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép các loại...
Hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 291,46 tỷ USD, giảm 7%, tương ứng giảm 22,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 10 đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28,5% (tương ứng tăng 3,66 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2023. Nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dầu thô; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất...
Hết tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 266,87 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 37,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,52 tỷ USD. Như vậy, tính trong 10 tháng, nước ta xuất siêu 24,59 tỷ USD, gấp 2,6 lần so với con số 9,56 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Theo đó, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đều giảm thì xuất khẩu sang các nước châu Phi, Ðông Âu, Bắc Âu, Tây Á vẫn tăng.
Ông Ðỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch mua lượng lớn phi lê cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Ngày 31/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, xác định mức thuế chống bán phá giảm mạnh so với kỳ rà soát trước đó. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã tiến hành thanh tra về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam với kết quả khả quan, chỉ ghi nhận một số lỗi nhỏ không mang tính hệ thống. Ðây là những tín hiệu tốt đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian tới.
Trên bình diện rộng hơn, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn chờ chực, khiến lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Mặt khác, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan; cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra. Nhằm tiếp sức cho xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, đang phục hồi tốt như Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các bên liên quan nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.
Ngoài ra, bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, song song với việc nhanh chóng hoàn tất và đưa vào thực thi hiệp định thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.