6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu 3,37 tỷ USD |
Cụ thể, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6/2018 (từ ngày 16/6 - 30/6/2018) đạt 19,84 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 855 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2018.
Tính chung 6 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 225,02 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 25,72 tỷ USD về mặt số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 114,2 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2017.
Đáng chú ý, trong kỳ 2 của tháng 6/2018, cán cân thương mại hàng hóa đã nghiêng về hướng xuất siêu với gần 870 triệu USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 3,37 tỷ USD. Đây là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm gần đây.
6 tháng qua, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng khá như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện (tăng 4,94 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 1,89 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1,86 tỷ USD…
Trước đó, tại Hội nghị giao ban trực tuyến, sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân giúp xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu khá cao trong những tháng đầu năm là do thời gian qua, các tín hiệu của thị trường đã được DN quan tâm, nắm bắt, từ đó chủ động đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, tạo đầu ra cho XK. Bộ Công Thương cũng tích cực tập trung cải cách hành chính, rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất khẩu. Chưa kể, doanh nghiệp đã tận dụng tích cực các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp nhiều thị trường tăng trưởng cao.
Ví dụ với ASEAN, trung bình các năm trước chỉ tăng từ 10 - 11% nhưng nửa đầu năm nay tăng đến hơn 17%. Thị trường Trung Quốc tăng đến trên 30%, là đột phá trong phát triển thị trường. Các thị trường như Úc, New Zealand, Nga… cũng tăng trưởng mạnh ở mức trên 20%...
Cán cân thương mại nghiêng về hướng xuất siêu khá cao trong thời điểm này là yếu tố được đặc biệt chú ý, khi tỷ giá USD/VND trên thị trường đang biến động mạnh lên gần một tháng trở lại đây. Cân đối xuất nhập khẩu là một cấu phần quan trọng, phản ánh cân đối nguồn cung - cầu ngoại tệ. Với con số thặng dư thương mại lên đến 3,37 tỷ USD, Việt Nam đã trở lại xuất siêu khá mạnh trong nửa cuối tháng 6, tiếp tục tạo thêm thuận lợi cho mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND.
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nửa cuối năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bởi theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới…
Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.