Thu hoạch cam Hàm Yên |
Sản lượng tăng
Theo ông Ma Hoa Tàm – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, một trong những xã vùng lõi cam của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, Phù Lưu có khoảng 1.890 héc-ta cây cam, chiếm 1/3 diện tích cam của cả huyện Hàm Yên, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.507 héc-ta. Đây là vụ tiếp theo mà sản lượng cam trên địa bàn xã tăng theo hàng năm. Năm 2014 sản lượng cam của xã đạt 2.000 tấn, năm 2015 mặc dù năng suất có thể không bằng nhưng do diện được thu hoạch tăng nên dự kiến đạt 2.500 tấn. Cam đang là cây chủ lực đem lại thu nhập cho bà con dân tộc trên địa bàn xã. Bình quân mỗi hộ gia đình trong xã đạt mức thu 200 - 300 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt mức thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Nhờ cây cam mà kinh tế xã được được cải thiện. “Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo có đối tượng là bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã giảm nhanh chóng. Số hộ nghèo hiện chỉ chiếm 13% trong tổng số 2000 hộ trong xã”, ông Tàm nói.
Giá cam dự báo sẽ ổn định
Theo ghi nhận thực tế, trên địa bàn xã Phù Lưu cũng như huyện Hàm Yên diện tích cam chanh và cam sành đã bắt đầu cho thu hoạch. Cam chanh có giá khoảng 10.000 đồng/kg, giá cam sành nhích hơn một chút ở mức 12.000 đồng/kg. Do sản lượng cam năm 2015 không cao, giá cam được dự báo sẽ ổn định và nhích dần về cuối vụ sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho bà con.
Anh La Văn Hiệp, người dân tộc Dao đỏ thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu cho biết: Gia đình anh hiện có khoảng 1.000 gốc cam sành, hiện đã bắt đầu bán cam với giá 12.000 đồng/kg. Với sản lượng dự kiến đạt khoảng 100 tấn, sau khi trừ chi phí vụ cam năm 2015 sẽ đem lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Thôn Lăng Đán có 85 hộ gia đình, trong đó có khoảng 25 hộ thuộc dân tộc Dao đỏ ngoài ra còn có dân tộc Tày và các dân tộc khác. “Nhờ trồng cam đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt, không còn lo nghèo đói, trẻ em đã được đi học” anh Hiệp nói.
Cây cam sành gắn bó và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con dân tộc tại Hàm Yên. Tuy nhiên, chính bởi sự gia tăng quá nhanh về diện tích đã đem lại nỗi lo về chất lượng sản phẩm, dịch bệnh. Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên khá lo lắng về điều này: Vùng đất có thổ nhưỡng thích hợp cho cây cam tại Hàm Yên đã được khai thác hết. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế cao nhiều bà con vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng sẽ khiến quả cam không đạt chất lượng. Để hỗ trợ cho bà con tăng năng suất, giữ được chất lượng sản phẩm, trung tâm đã hướng dẫn bà con trồng giống cam mới VD2 nhằm rải vụ (kéo dài vụ thu hoạch) đem lại giá trị cao hơn cho quả cam.
Để đảm bảo phát triển cây cam bền vững, không phá vỡ quy hoạch, nhất là bảo vệ diện tích rừng, tháng 6/2015 UBND xã Phù Lưu đã thành lập đoàn liên ngành cưỡng chế phá hủy diện tích cam mới trồng trên diện tích rừng phòng hộ nhằm giữ nguyên diện tích cam hiện có và tránh tạo tiền lệ cho bà con phá rừng trồng cam.