Thương mại hóa cải tạo chung cư cũ Sẽ ưu đãi thuế cho doanh nghiệp cải tạo chung cư cũ Hà Nội hoàn chỉnh kế hoạch cải tạo chung cư cũ trước 31/12 |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, qua rà soát đến thời điểm này, số lượng chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đã tăng thêm, vào khoảng 2.000 chung cư (thống kê thời điểm năm 2020 là 1.579 chung cư). Hiện có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ.
Khu chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng đang bị xuống cấp nghiêm trọng |
Đặc biệt, hiện trên địa bản Hà Nội có 6 dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D cần được cải tạo đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận. Sở Xây dựng cũng thông tin thêm: về công tác di dời hộ dân tại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D phải phá dỡ để tiến hành xây dựng lại: đến nay, nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) đã hoàn tất công tác di dời các hộ ra khỏi nhà nguy hiểm; còn 5 nhà chung cư cũ nguy hiểm tại quận Ba Đình (nhà C8 khu tập thể Giảng Võ; nhà G6A khu tập thể Thành Công, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên đầu hồi khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây), vẫn còn một số trường hợp chưa hoàn thành di dời.
UBND quận Ba Đình cho biết, sẽ hoàn tất di dời các hộ còn lại trong quý II-2022. Song song đó, Sở Xây dựng cũng đã cơ bản hoàn thành kiểm định 126 chung cư cũ trên địa bàn thành phố...
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, đến thời điểm này đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định số 331/QĐ-SXD, về Bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Bộ tiêu chí quy định rõ trình tự thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 6 bước: Kiểm tra sự phù hợp của báo cáo kết quả kiểm định so với nhiệm vụ kiểm định, đề cương kiểm định đã được phê duyệt; Kiểm tra về công tác khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin, tài liệu về công trình (chủ quản nhà, địa chỉ, quy mô, công năng, loại kết cấu và hình dạng nhà chung cư cần đánh giá...);
Đối với tiêu chí đánh giá nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ được quy định, gồm: Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng.
Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố: hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng, cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng quy định tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện nền móng, trong đó đất nền được đánh giá là nguy hiểm khi có tốc độ lún nền trong thời gian 2 tháng liên tục lớn hơn 2mm/tháng và không có biểu hiện dừng lún; nền bị lún không đều, độ lún vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn hiện hành, tường bên trên có vết nứt (do lún) có bề rộng lớn hơn 10mm và độ nghiêng cục bộ của nhà lớn hơn 1%; Móng được đánh giá nguy hiểm khi khả năng chịu lực nhỏ hơn 85% hiệu ứng tác động vào móng; móng bị mủn, mục, nứt, gãy dẫn đến kết cấu bị nghiêng lệch, chuyển vị, rạn nứt, xoắn rõ rệt...
Trước đó, với thực tế các khu chung cư xuống cấp nhưng chưa được cải tạo tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ; lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại, đưa vào kế hoạch, triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Bộ Xây dựng cũng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ động đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.