Việc ưu đãi thuế cho hoạt động cải tạo chung cư cũ sẽ tạo thêm lực hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này |
Hơn 200 khối nhà xuống cấp nghiêm trọng
Nhìn lại các chính sách ưu đãi cho hoạt động cải tạo chung cư cũ có thể thấy, ngày 3/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, quy định một số giải pháp về đất đai, về tài chính để khuyến khích việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Cụ thể như: Chủ đầu tư dự án được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 10% trong 15 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, được miễn thuế trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Từ năm 2009, khi Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, các ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản không còn nữa, đồng thời từ năm 2014 việc áp dụng thuế suất 10% chỉ còn áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về thuế TNDN hiện hành, hoạt động cải tạo chung cư cũ là hoạt động không được ưu đãi thuế TNDN.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, cả nước có trên 3 triệu m2 với khoảng 4.000 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991. Trong đó, Hà Nội có 1.516 khối từ 2 đến 5 tầng, TP.HCM có trên 900 khối với 484 khối xây dựng trước năm 1975. Qua đánh giá sơ bộ, có khoảng trên 200 khối đã bị xuống cấp nghiêm trọng, thuộc diện nguy hiểm cần phá dỡ, xây dựng lại để bảo đảm an toàn, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác như Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Vinh,...
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, một số địa phương đã triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế so với mục tiêu đề ra.
Việc không đạt mục tiêu đó xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nhưng một nguyên nhân quan trọng được đặt ra là các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế chưa được triển khai triệt để nên cũng là một nguyên nhân khó thu hút nhà đầu tư.
Thêm ưu đãi, thu hút đầu tư
Đánh giá qua công tác quản lý thu thuế thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đề nghị hướng dẫn thực hiện giải pháp tài chính và đất đai theo Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ.
Thực tế tra cứu cho thấy, đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành khá nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn về đất đai, huy động vốn,... Tại Hà Nội, Quy chế quản lý nhà cao tầng khu vực nội đô, tăng chiều cao từ 18 - 24 tầng đối với các dự án cải tạo chung cư cũ cũng đã được ban hành đầu năm 2016.
Để góp phần thúc đẩy hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nâng cao đời sống cho người dân, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết: Bộ Tài chính đang dự thảo để trình Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung quy định phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước đã bán cho người đang thuê, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong giai đoạn 2017-2020. Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập của từng dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để làm căn cứ hưởng ưu đãi thuế.
Danh mục các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước đã bán cho người đang thuê được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo ông Thi, nội dung này "đáng lý" phải được quy định trong Luật, tuy nhiên, trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của các khu chung cư, Bộ Tài chính sẽ đưa nội dung này vào Nghị quyết để trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2016 tới đây và áp dụng trong 3 năm.
"Trong quá trình ấy, chúng tôi sẽ tiếp tục tổng kết đánh giá và xin bổ sung, sửa Luật. Thời gian 3 năm đưa ra trong dự thảo Nghị quyết là để giải quyết vấn đề trước mắt, để làm tiền đề tiếp tục tổng kết, đánh giá đưa vào Luật nhằm đảm bảo tính dài hạn của chính sách" - đại diện Vụ Chính sách thuế khẳng định.