Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, thương mại điện tử là mảnh đất cực kỳ lớn cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Việc kinh doanh qua hình thức này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, không phải qua trung gian mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng tới những thị trường mà họ chưa bao giờ đặt chân đến.
Hay với ngành thủy sản, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bán hàng xuyên biên giới để giảm chi phí và tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng ở các thị trường sâu trong nội địa Trung Quốc.
Xuất khẩu qua thương mại điện tử giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí logistics |
Mặc dù cơ hội mang lại từ thương mại điện tử là rất lớn nhưng hình thức này cũng chưa thực sự đạt kết quả cao như kỳ vọng. Ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ rằng, cơ hội lớn mang lại từ thương mại điện tử là vô cùng lớn nhưng với ngành gỗ vẫn còn khá khó khăn trong tiếp cận người tiêu dùng. Lý do gỗ là mặt hàng có tính cá nhân hóa, giá trị cao nên nhiều người tiêu dùng có vẻ e dè khi tiếp cận, đặt hàng.
Chưa kể tới việc buôn bán này còn tiềm ẩn rủi ro nếu các doanh nghiệp không nắm chắc điều khoản hợp đồng và tuân thủ các luật cũng như quy tắc chung của thế giới. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo xác nhận đối tác đặt hàng thì rất dễ gặp phải đơn hàng “ảo”, thậm chí có trường hợp khách hàng yêu cầu làm sản phẩm theo mẫu của họ và số lượng mẫu nhiều, nhưng tỷ lệ đơn hàng thành công không cao… Ngoài ra, còn những rủi ro liên quan đến quá trình thông quan, gửi hàng, thuế… mà doanh nghiệp không thể lường trước hết được.
CEO của Fado - ông Phạm Tấn Đạt - đánh giá, hợp đồng là quá trình quan trọng nhất trong kinh doanh quốc tế. Đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu. Vì thế, trong mỗi hợp đồng kinh doanh người bán phải có mô tả rõ ràng về hàng hóa, các thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm; cần có ràng buộc các điều khoản trong hợp đồng như điều khoản về giá, điều khoản giao hàng…
Lý giải cụ thể ông Đạt cho biết, sẽ có rất nhiều rủi ro trong giao vận quốc tế có thể xảy ra như trì hoãn giao hàng, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chi phí cao tại cảng đích, từ chối nhận hàng… “Để không phải đối mặt với những trường hợp này thì doanh nghiệp phải tỉnh táo trong phân tích và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty giao nhận phù hợp; không thể có công ty vận chuyển gửi container đến mọi nơi”, ông Đạt nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm chuyên làm công tác hậu cần hỗ trợ giao thương với nước ngoài, vị CEO này chia sẻ thêm, trong một số trường hợp thì doanh nghiệp nên cân nhắc mua bảo hiểm xuất khẩu vì không thể tránh được tất cả các rủi ro, nhưng có thể giúp doanh nghiệp giảm số tiền bị mất do được hoàn tiền trong trường hợp bị từ chối từ người mua hàng ở cảng đích. Cũng theo ông Đạt, doanh nghiệp còn phải chú ý việc quản trị rủi ro trong trao đổi thông tin. Ở đây là thư mời cần đến thăm công ty, yêu cầu đăng nhập trang web để gửi mẫu…