Thương mại Việt - Trung tăng trưởng mạnh mẽ
Tại Chương trình “Giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam với Trung Quốc”, do Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh và Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức chiều 11/12, lãnh đạo các địa phương và DN Việt Nam - Trung Quốc đã cùng nhau trao đổi thông tin về tiềm năng, thế mạnh của mình để tiến tới hợp tác giao thương phát triển hơn trong tương lai.
Đánh giá mối quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, ông Ngô Tuấn - Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Hợp tác kinh tế thương mại hai nước không ngừng có những bước đột phá mới, quy mô liên tục tăng trưởng. Trung Quốc nhiều năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại Việt Nam cũng trở thành 1 trong 10 thị trường có hoạt động thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có những biến động song hai bên vẫn đạt kim ngạch hai chiều tương đối tốt trong 10 tháng đầu năm nay.
Bà Nguyễn Vân Nga - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam |
Bà Nguyễn Vân Nga - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) - cho biết: Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016. Hết tháng 10/2018, kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt 86,87 tỷ USD, tăng 26,52% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 33,48 tỷ USD, tăng 26,5%; nhập khẩu 53,39 tỷ USD, tăng 13,4%.
“Ngành Công Thương luôn đánh giá cao, đồng thời hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các DN hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh. Và chương trình giao lưu này là cơ hội để các địa phương, DN khu vực phía Nam tiếp xúc với DN Trung Quốc nhằm cùng nhau tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh” - bà Nga nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam với Trung Quốc đã có những kết quả tốt trong thời gian qua. Đồng Tháp là một trong những tỉnh có nhiều hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Ông Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Quan hệ giao thương giữa các DN tỉnh Đồng Tháp với các DN Trung Quốc tăng trưởng đều qua các năm. Riêng năm 2018, ước kim ngạch xuất khẩu của các DN Đồng Tháp vào thị trường Trung Quốc khoảng 300 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, gạo, bột cá; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 50 triệu USD, chủ yếu là phân bón, nguyên phụ liệu ngành may, dược liệu, thức ăn chăn nuôi.
Không riêng Đồng Tháp, Long An và Đồng Nai cũng đang xuất khẩu mạnh qua Trung Quốc trong thời gian qua, trong đó mặt hàng gạo của Long An hiện xuất khẩu chiếm tới 50% qua thị trường này.
Sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp thu hút doanh nghiệp Trung Quốc |
Chủ động giới thiệu thông tin với DN Trung Quốc
Mong muốn thắt chặt hơn hợp tác với DN Trung Quốc trong thời gian tới, ông Châu Hồng Phúc đã giới thiệu với các DN Trung Quốc về tiềm năng và thế mạnh của địa phương và khẳng định tỉnh này không chỉ có thế mạnh nông nghiệp mà còn có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện.
Với những điều kiện và tiềm năng hiện có của mình, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mong muốn DN, nhà đầu tư Trung Quốc đến Đồng Tháp tìm hiểu cụ thể môi trường đầu tư kinh doanh cũng như mong muốn được hợp tác với DN Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
“Chúng tôi có thế mạnh về các sản phẩm từ dừa, các loại trái cây nổi tiếng như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, măng cụt… và các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, thay vì xuất khẩu nhỏ lẻ như hiện nay, chúng tôi mong muốn tăng lượng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới”, ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre bày tỏ.
Hàng trăm doanh nghiệp hai nước quan tâm tham dự chương trình |
Để thúc đẩy, phát triển giao thương bền vững với Trung Quốc, từ phía các DN, ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong (tỉnh Bến Tre) - cho hay: Các cơ quan chức năng của Trung Quốc cần đến kiểm tra cơ sở vật chất và quy trình sản xuất của công ty xuất khẩu, nếu đáp ứng nhu cầu thì có thể cấp riêng thông hành cho công ty đó được xuất đi hay không. Hoặc cập nhật yêu cầu cụ thể cho mỗi sản phẩm, sau đó ra thông báo chung về kiểm soát chất lượng.
Ông Phạm Đình Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển quốc gia IDI - nêu ý kiến: Chính phủ và hải quan Trung Quốc cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với các DN Việt Nam trong việc đơn giản hóa các thủ tục, giấy phép, thời gian kiểm mẫu lấy mẫu tại cảng đến. Trường hợp nếu có quy định mới phải thông báo trước đó khoảng 1 - 2 tháng cho các DN chuẩn bị.
Tham gia Chương trình “Giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam với Trung Quốc”, tỉnh Đồng Tháp đã thiết kế khu gian hàng giới thiệu những sản phẩm nông sản thế mạnh như quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài, khoai lang, hủ tiếu… với các đối tác Trung Quốc. Các sản phẩm trưng bày đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như khách tham dự. |