Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh bắt giữ ô tô chở heo không kiểm dịch đưa vào thành phố |
Cùng với Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang là địa phương có số vụ sử dụng chất tạo nạc để nuôi heo bị phát hiện nhiều nhất.
Ngày 15/10/2015, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 14 hộ nuôi heo có 54 mẫu dương tính với chất tạo nạc salbutamol, mức xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng/hộ. Để loại trừ chất tạo nạc, Chi cục Thú y Tiền Giang đã tổ chức khảo sát 335 mẫu nước tiểu heo tại 108 hộ chăn nuôi. Kết quả có 54 mẫu của 21 hộ chăn nuôi dương tính với salbutamol, 14 hộ đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng/hộ. Trước đó, ngày 15/9 cũng đã có 12 hộ nuôi heo ở Tiền Giang bị xử phạt 7,5 triệu đồng/hộ do sử dụng chất tại nạc salbutamol.
TP.Hồ Chí Minh được xem là “cái thùng khổng lồ” để chứa các loại thực phẩm kém chất lượng từ khắp nơi đổ về, khiến cho người tiêu dùng phát hoảng khi không biết chọn đâu ra loại thực phẩm an toàn để sử dụng.
Hiện nay, mỗi tuần, Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hồ Chí Minh đã xử lý từ 70-150 vụ vi phạm về chất lượng thực phẩm. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 10/2015 (từ ngày 30/9-7/10), QLTT thành phố đã xử lý 68 vụ vi phạm về chất lượng thực phẩm; thu giữ 728 con chim, gà, vịt, 6 con heo, 676 kg thịt và 2.364 trứng gia cầm. Cụ thể, kiểm tra xe khách biển số 71D1-1544, QLTT thành phố đã bắt giữ 220kg phụ phẩm heo thối chuyển từ Vũng Tàu về; xe khách biển số 77B-00564 vận chuyển 440kg heo sữa, 323kg tóp mỡ không có giấy chứng nhận kiểm dịch từ Bình Dương về tiêu thụ…
Theo Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, đa số các loại thịt bẩn đưa vào thành phố không phục vụ cho việc chăn nuôi mà dùng để chế biến thực phẩm dành cho người. Đơn cử, cơ sở chế biến bò viên (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) đã bị bắt quả tang dùng 343kg thịt heo, 660kg thịt xay sơ chế ôi thiu, 90kg thịt gà đông lạnh hết hạn sử dụng để chế biến bò viên. Ngoài sản xuất trái phép, cơ sở này còn làm bò viên trên nền nhà dơ bẩn, gần nhà vệ sinh, sản phẩm bán cho các quán ăn bình dân quanh khu vực.
Hiện mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 500-600 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó cơ quan thú y mới chỉ kiểm soát được 80-90%. Các loại thực phẩm kém chất lượng này thường chế biến, tiêu thụ tại những quán ăn bình dân, nơi đông dân cư lao động phổ thông sinh sống.
Tình trạng thực phẩm kém chất lượng tràn lan, theo đánh giá của các cơ quan chức năng là do trên thị trường rộng, lực lượng kiểm tra mỏng, hành vi gian lận của người kinh doanh ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, một thực tế mà ai cũng thấy thực phẩm kém chất lượng chưa loại ra khỏi bàn ăn của người tiêu dùng nguyên nhân chính là do việc kiểm soát của các cơ quan chức năng không chặt và mức xử lý còn quá nhẹ.
Ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh: Việc dùng nguyên liệu kém phẩm chất, phụ gia thực phẩm độc hại để sản xuất thực phẩm, dùng hóa chất độc hại để chăn nuôi… là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thế nhưng đa số đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Vì vậy, nếu xử lý nặng, chắc chắn đối tượng sẽ chùn tay. |