Kết nối giao thương miền Trung - Tây Nguyên với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự triển lãm sản phẩm tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên |
Hãy kể câu chuyện về giá trị văn hóa, lịch sử từ sản phẩm
Tại phiên kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh phân phối trong nước trong chương trình Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 11/5, đại diện những nhà bán lẻ, kênh phân phối hàng đầu Việt Nam đã có những chia sẻ và “mách nước” cho sản phẩm đặc sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP miền Trung – Tây Nguyên đi vào hệ thống các kênh phân phối, chuỗi siêu thị.
Các chuyên gia, nhà phân phối "mách nước" cho sản phẩm miền Trung - Tây Nguyên vào chuỗi phân phối, bán lẻ |
Ông Paul Lê – Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, phụ trách xúc tiến thương mại đánh giá cao những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Việt Nam nói chung, miền Trung – Tây Nguyên nói riêng bởi những sản phẩm này mang tính truyền thống, có tính lịch sử, kế thừa. Tuy nhiên, điểm yếu của các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên đó là chưa kể được câu chuyện về sản phẩm. Bởi bản thân sản phẩm một qúa trình lịch sử tích lũy, là văn hóa truyền thống gắn với địa phương đó. “Phải kể được câu chuyện về sản phẩm đó cho khách để người ta mua sản phẩm nhưng cũng biết đến lịch sử, văn hóa của địa phương”, ông Paul Lê nói và cho biết các kênh phân phối không chỉ mang sản phẩm chất lượng của thế giới đến Việt Nam đó là mang sản phẩm Việt Nam ra thế giới và Central Retail sẽ hỗ trợ nông dân Việt Nam bán sản phẩm cũng như đưa sản phẩm ra thế giới.
Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc điều hành toàn quốc siêu thị Winmart – Công ty WinCommerce thì cho biết WinCommerce luôn ưu tiên và chủ động đến từng địa phương để tìm kiếm sản phẩm mới, kết nối để đưa những đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền vào hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị. Trên thực tế, nhiều sản phẩm miền Trung – Tây Nguyên hiện là sản phẩm chủ lực tạo doanh số cho nhiều siêu thị của WinCommerce.
Ông Paul Lê – Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, phụ trách xúc tiến thương mại cho rằng mỗi sản phẩm OCOP, sản phẩm của địa phương phải kể được một câu chuyện về văn hóa, lịch sử của địa phương đó |
Theo ông Tuấn, ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung khi đưa hàng vào tất cả các siêu thị như đảm bảo về vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm, công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; thì WinCommerce đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp có định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng, có chiều sâu chất lượng, chủ động trong công tác marketing. “Quan trọng nhất cho sản phẩm miền Trung – Tây Nguyên chính là phải thường xuyên khảo sát khách hàng để cải thiện, cải tiến sản phẩm của mình. Điều này giúp doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên không chỉ có cơ hội bán sản phẩm trong khu vực mà còn ở thị trường cả nước và vươn ra xuất khẩu”, ông Tuấn “chỉ điểm” và khẳng định, WinCommerce luôn rộng mở trong quá trình giao thương và mong muốn sẽ càng có nhiều sản phẩm chất lượng, có chiều sâu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào hệ thống siêu thị.
Bản thân doanh nghiệp phải chủ động kết nối và tích cực kết nối
Theo TS. Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc biệt quan trọng và rất có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện có nhiều biến động như lạm phát, tài chính khủng hoảng. Kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn nhất định khi tăng trưởng thấp, tiêu dùng trong tháng 3 và tháng 4/2023 có chiều hướng giảm. Theo một khảo sát mới đây của VCCI về 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đó là đầu vào sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng; huy động vốn khó khăn; và đặc biệt là thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra. Vì vậy, việc kết nối có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề đơn hàng, đầu ra cho doanh nghiệp.
Đồng tình và làm rõ quan điểm này, ở góc độ một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lạc quan trong thời gian qua, bà Mai Thị Ý Nhi – Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (Đà Nẵng) cho rằng các chương trình kết nối của ngành Công Thương, của chính quyền mỗi địa phương thực hiện là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Mai Thị Ý Nhi cho rằng kết nối giao thương qua các chương trình xúc tiến thương mại của ngành Công Thương là kênh marketing có chi phí bằng 0 nhưng hiệu quả rất rõ rệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Theo bà Nhi, những có 3 vấn đề lớn mà mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt trong kinh doanh đó là thương hiệu ban đầu không có vì vậy, đầu ra cho sản phẩm vô cùng khó khăn. Thứ hai là chi phí cho hoạt động marketing, bán hàng rất ít vì vậy việc tiếp cận khách hàng khó khăn. Và thứ ba đó là việc phát triển sản phẩm mới ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường bị chậm do tất cả các công việc từ sản xuất đến thương mại đều là chủ cơ sở, chủ doanh nghiệp thực hiện.
Trước những khó khăn đó thì sự hỗ trợ, các chương trình kết nối giao thương là hướng ra vô cùng hữu hiệu cho các doanh nghiệp. “Chúng tôi nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách của ngành Công Thương, hoạt động hỗ trợ của Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, của chính quyền thành phố, huyện thông qua các chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu. Đây là kênh truyền thông, kết nối miễn phí nhưng lại vô cùng hiệu quả và uy tín”, bà Nhi nói và cho rằng cơ hội đã được các đơn vị, ngành đưa đến, nhưng thực hiện được hay không phải ở sự nỗ lực và chủ động nắm lấy của doanh nghiệp. “Bản thân tôi trong hơn 1 năm qua tham gia tất cả các buổi kết nối tại nội địa. Hiện chúng tôi đang hướng đến xuất khẩu và các kết quả đạt được trong thời gian qua đã chứng minh hướng đi của chúng tôi là đúng đắn”, bà Nhi chia sẻ và cho biết thêm, ngoài ra, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị và phải tạo ra định hướng phát triển của công ty dựa trên lợi thế sản phẩm của mình, từ đó sẽ dần tạo dựng được vị trí và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương: Giai đoạn vừa qua, kênh xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả cho việc triển khai mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn cho thị trường trong nước. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu là lợi thế, thế mạnh của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Để để đưa các sản phẩm này ra thị trường thành công rất cần các chương trình như hội chợ, chương trình xây dựng thương hiệu truyền thông, kết nối doanh nghiệp phân phối với doanh nghiệp sản xuất,… |